04:07, 08/07/2013

Cần có chế tài xử lý

Chính quyền các địa phương không tích cực tham gia phòng, chống sốt xuất huyết, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ có biện pháp xử lý.

Chính quyền các địa phương không tích cực tham gia phòng, chống sốt xuất huyết (SXH), UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ có biện pháp xử lý. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Thân tại buổi làm việc mới đây về tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh.


Người dân còn chủ quan và ỷ lại


Theo Sở Y tế, hiện Khánh Hòa là địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao nhất cả nước. Tính đến ngày 24-6, toàn tỉnh có 3.022 ca mắc bệnh SXH ở 8 huyện, thị, thành phố, có 2 trường hợp đã tử vong; so với cùng kỳ năm 2012, số ca mắc bệnh tăng 3,7 lần. Trong đó, TP. Nha Trang có số ca mắc cao nhất với 1.199 ca, tăng 4,6 lần, các địa phương còn lại đều có số ca mắc bệnh tăng, cụ thể: Cam Lâm tăng 10 lần, Cam Ranh tăng 8,2 lần, Ninh Hòa tăng 3,5 lần, Diên Khánh tăng 2,5 lần, Vạn Ninh tăng 1,2 lần, Khánh Vĩnh tăng 83 ca (năm 2012 không có ca mắc). Theo cảnh báo của Viện Pasteur Nha Trang, kết quả giám sát huyết thanh cho thấy hơn 50% mẫu dương tính với vi rút SXH. Điều đó cho thấy SXH trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng lan rộng.   


Theo ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế, tuy ngành Y tế đã thực hiện nhiều biện pháp PCSXH như: Giám sát, xử lý ổ dịch, chủ động phun hóa chất, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng số ca mắc bệnh vẫn tăng cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân vẫn chưa tích cực tham gia công tác này. Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, cách PC dịch bệnh SXH hiệu quả nhất là thực hiện diệt bọ gậy tại nhà. Cách này vừa dễ làm, không tốn nhiều công sức, kinh phí, tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn thờ ơ với công tác này và hầu hết đều ỷ lại vào ngành Y tế.


Trong đợt kiểm tra công tác PCSXH tại Khánh Hòa mới đây, Cục Y tế dự phòng đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình thuộc thôn Nhân Hội 1, xã Vĩnh Ngọc (Nha Trang) - nơi có ổ dịch mới được xử lý, qua đó phát hiện nơi ở của nhiều hộ gia đình vẫn có muỗi truyền bệnh SXH và các ổ lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước đọng, nước uống tại chuồng chăn nuôi gia cầm, bình hoa. Nhiều hộ dân tuy đã ký giấy cam kết thực hiện diệt bọ gậy và PCSXH nhưng khi ngành Y tế đi phun hóa chất diệt muỗi lại không chịu mở cửa, không thực hiện vệ sinh môi trường sống xung quanh. Bà Đinh Thị Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa thừa nhận, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên kiến thức của người dân về PCSXH có tăng nhưng do ỷ lại vào Nhà nước nên người dân vẫn chưa tích cực thực hiện. “Khi đến hộ gia đình phỏng vấn thì người dân trả lời rất tốt nhưng các dụng cụ chứa nước vẫn đầy bọ gậy” - bà Vân nói.

 

1
 Nhân viên y tế đang kiểm tra và thực hiện diệt bọ gậy tại hộ dân ở phường Vĩnh Hòa (Nha Trang). 


Nhiều lần cùng ngành Y tế đi xử lý bọ gậy tại các hộ gia đình, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ khi thấy đoàn kiểm tra tới mới đi súc rửa lọ hoa, thạp đựng nước. Có hộ còn hồn nhiên đưa cán bộ bình nước uống vứt ngoài sân hơn 3 tháng xem đã có lăng quăng chưa. Khi được hỏi, hầu hết các hộ đều viện lý do bận việc nên không có thời gian để súc rửa; có hộ còn vô tư nghĩ rằng nước đựng ở các bình bông nửa tháng hoặc 1 tháng thay một lần làm gì đã có bọ gậy.


Còn nhiều khó khăn    


Ngành Y tế thừa nhận, tuy trách nhiệm chỉ đạo chống dịch đã được giao cho chính quyền địa phương nhưng chính quyền một số nơi vẫn chưa vào cuộc cùng ngành. Trong đó, việc huy động cộng đồng và phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện công tác này chưa đạt hiệu quả, còn giao khoán cho ngành Y tế. “Đoàn thể thôn, tổ khi có ngành Y tế xuống thì hợp tác làm, nhưng khi cán bộ y tế đi thì họ lại bỏ lơ. Trong khi đó, theo chỉ đạo, việc thực hiện diệt bọ gậy là trách nhiệm của đoàn thể thôn, tổ” - ông Nguyễn Văn Hải nói.


Ngoài ra, việc phân công thành viên tham gia công tác diệt bọ gậy còn chung chung, chưa sát thực tế; đội diệt bọ gậy thực hiện không đúng kế hoạch, bỏ sót hộ hoặc chỉ thống kê trên danh sách; kết quả xử lý ổ dịch nhiều nơi vẫn chưa tốt, kết quả chỉ số côn trùng sau xử lý còn cao (Phước Hải, Vĩnh Ngọc - Nha Trang, Cầu Bà - Khánh Vĩnh, Ninh Diêm - Ninh Hòa); ghi nhận, báo cáo ca bệnh đến xác minh ổ dịch, xử lý ở nhiều nơi còn chậm…cũng là những khó khăn trong công tác PCSXH. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, cán bộ y tế chưa tiếp cận được các hộ dân vắng nhà vào ban ngày (chiếm gần 35%). Thời tiết thất thường cũng làm tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp; thiếu nhân lực ngành Y tế dự phòng, số ca mắc mới, số ổ dịch tăng nhanh trong tháng 6 đã gây quá tải cho ngành Y tế trong công tác xử lý dịch.


Để công tác PCSXH đạt hiệu quả, ngành Y tế kiến nghị UBND tỉnh cần có chế tài xử lý đối với những hộ dân, chính quyền địa phương không tích cực hợp tác trong công tác này. UBND tỉnh chỉ đạo thành viên ban ngành, đoàn thể các cấp phải vào cuộc quyết liệt cùng ngành Y tế; tận dụng lực lượng học sinh, sinh viên dịp hè vào công tác diệt bọ gậy.


BÁ NGHĨA

 


Ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Cần đưa công tác PC dịch bệnh SXH vào tiêu chí thi đua ở các cấp; gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND các địa phương vào công tác này. Yêu cầu UBND huyện, thị, thành phố phải tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân. Ngành Y tế báo cáo cụ thể những hộ dân, chính quyền địa phương nào không hợp tác để UBND tỉnh có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, ngành Y tế phải thực hiện chính xác và đầy đủ công tác điều tra, cập nhật số liệu; tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân trong việc khám và điều trị bệnh SXH. Các bệnh viện, trung tâm y tế nâng cao chất lượng điều trị và điều trị kịp thời cho những bệnh nhân mắc SXH, hướng dẫn người bệnh cách thức PC. Sở Tài chính cấp bổ sung 1 tỷ đồng cho công tác PC dịch bệnh SXH, tăng tiền công phun hóa chất lên 120.000 đồng/ngày công phun…