10:10, 26/10/2020

Nha Trang: Cần quy hoạch chống ngập, thoát lũ

Thành phố Nha Trang đang đẩy nhanh các dự án, công trình chống ngập nhằm tăng cường năng lực thoát lũ. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh nên thành phố cần có quy hoạch thoát lũ, chống ngập hoàn hảo.

TP. Nha Trang đang đẩy nhanh các dự án, công trình chống ngập nhằm tăng cường năng lực thoát lũ. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh nên thành phố cần có quy hoạch thoát lũ, chống ngập hoàn hảo.


Đã giảm ngập


Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Nha Trang, năm 2019, tình hình ngập nước trên địa bàn thành phố đã được cải thiện so với những năm trước. Các khu vực như: Quân Trấn; khu dân cư tiếp giáp đường số 4; các xã phía tây; các thôn: Đất Lành, Thủy Tú (xã Vĩnh Thái); Làng trẻ em SOS Nha Trang… trước đây thường xuyên bị ngập thì hiện nay đã giảm. Có được như vậy là do thành phố đã đầu tư hoàn chỉnh một số công trình thoát nước như: Hệ thống thoát nước khu Quân Trấn, giai đoạn 2; dự án Chỉnh trị sông Tắc - sông Quán Trường; dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang... Đồng thời, thành phố chỉ đạo Ban Quản lý Dịch vụ công ích tăng cường nạo vét khơi thông dòng chảy các khu vực trũng thấp.

 

Thi công cống hộp trên đường 2-4, Nha Trang (Dự án CCSEP).

Thi công cống hộp trên đường 2-4, Nha Trang (Dự án CCSEP).


Lãnh đạo Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh cũng cho biết, công tác chống ngập của thành phố đã được cải thiện. Tại khu vực trung tâm và phía nam, hệ thống thoát nước từ dự án Cải thiện vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải hoàn thành năm 2014 (Dự án CCSEP), công tác vận hành, bảo dưỡng tốt nên khu vực này các năm qua không còn ngập lụt. Tại khu vực phía bắc, hiện nay vẫn còn các khu vực ngập nặng như: Đường 2-4 gần Làng trẻ em SOS; chợ Bàu (phường Vĩnh Thọ); đường Điện Biên Phủ giao Thoại Ngọc Hầu... Hiện tại, dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải đang thi công tuyến cống thoát nước ở các khu vực này, dự kiến hoàn thành trước Tết Tân Sửu 2021 và các tuyến cống hạ nguồn ra sông Cái sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Đến khi đó, tình trạng ngập lụt của khu vực phía bắc sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, tại khu vực phía tây vẫn tồn tại một số khu vực ngập nặng như: Đường 23-10, khu dân cư giáp ranh đường Lê Hồng Phong và các khu dân cư mới…


Theo ông Phạm Văn Thơm - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, sở dĩ Nha Trang còn ngập là do tình hình xây dựng ồ ạt, che lấp đường thoát nước, nhất là hệ thống tiêu, thoát nước thủy lợi bị lấp nghẽn. Ông Lê Tiến Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị Nha Trang cũng cho biết: Thời gian qua, việc triển khai nhiều dự án khu đô thị mới, khu tái định cư ở khu vực tây Lê Hồng Phong và tây Nha Trang không đồng bộ về hạ tầng và cốt nền, dẫn đến ngập cục bộ tại các khu dân cư giáp ranh các dự án. Để khắc phục tình trạng này, thành phố đang tập trung rà soát các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; cập nhật các dự án triển khai để đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là quy hoạch san nền và thoát nước; báo cáo UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án đầu tư đồng bộ hạ tầng thoát nước. Ngoài ra, hiện nay, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn còn khá phổ biến, không chỉ làm che lấp miệng các hố thu nước mưa mà còn gây tắc nghẽn cống, rãnh, cản trở dòng chảy các kênh, mương, sông gây ngập nước. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các xã, phường cần tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng; tuyệt đối tuân thủ quy hoạch được duyệt; thiết kế, thi công phải đảm bảo thoát nước cho khu vực xung quanh; cần tăng cường công tác quản lý rác thải; khơi thông dòng chảy hiện hữu…

   
Cần cập nhật quy hoạch thoát nước

 

Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh đang triển khai thi công dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang. Dự án đầu tư bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của tỉnh, thời gian từ năm 2017 đến 2022, tổng mức đầu tư 72 triệu USD. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập lụt, tăng thoát lũ, chống sạt lở và ô nhiễm môi trường khu vực phía bắc.

Theo ông Vĩnh, đặc trưng tình hình ngập nước trên địa bàn Nha Trang chủ yếu do mưa lớn và khi các hồ chứa xả điều tiết lũ chứ không ngập do ảnh hưởng bởi triều cường. Vì vậy, TP. Nha Trang chưa có quy hoạch chống ngập. Để khắc phục tình trạng ngập nước, tỉnh, thành phố đã đầu tư cải tạo và nâng cấp mở rộng hệ thống cống thoát nước cấp 1, 2, 3 từ dự án Cải thiện vệ sinh môi trường; xây dựng kiên cố hóa hệ thống kênh mương thoát lũ như: Khu dân cư nam Hòn Khô, Đường Đệ, Hòn Rớ - Phước Đồng, Đất Lành; chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường; nạo vét sông Kim Bồng... Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung rà soát quy hoạch thoát nước của các đồ án quy hoạch phân khu đảm bảo khớp nối đồng bộ.


Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh cho biết, Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được phê duyệt từ năm 2012; mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040. Việc quy hoạch phân khu 1/2000 đã bao phủ xã, phường. Trong các quy hoạch này đều có nội dung quy hoạch thoát nước. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng tác động của biến đổi khí hậu, một số khu vực như phía tây vẫn còn tình trạng ngập lụt nặng nề nên vấn đề chống ngập, thoát lũ cần được quan tâm hơn nữa. Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh đề nghị thành phố khi điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 cần có nội dung chống ngập, thoát lũ. Việc cập nhật quy hoạch chống ngập, thoát lũ vào quy hoạch chung sẽ giúp thành phố chủ động hơn trong việc phòng, chống ngập lụt, tránh chồng chéo trong quy hoạch với chuyên ngành khác cũng như các dự án đầu tư.


V.L