10:11, 28/11/2017

Ô nhiễm từ các nhà vệ sinh ven biển

Xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường các khu dân cư ven biển, tỉnh đã đặt hàng cho Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) thực hiện Đề tài "Đánh giá tình hình ô nhiễm chất thải từ các nhà vệ sinh ven biển trên địa bàn tỉnh". Đề tài hoàn thành đã góp phần xác định nguyên nhân và đề xuất các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường ven biển.

Xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường các khu dân cư ven biển, tỉnh đã đặt hàng cho Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) thực hiện Đề tài “Đánh giá tình hình ô nhiễm chất thải từ các nhà vệ sinh ven biển trên địa bàn tỉnh”. Đề tài hoàn thành đã góp phần xác định nguyên nhân và đề xuất các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường ven biển.


Theo Thạc sĩ Lê Thị Vinh - Viện Hải dương học (chủ nhiệm đề tài), nhóm cán bộ tham gia thực hiện đề tài trong 17 tháng (từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2017); đã phỏng vấn hơn 700 người gồm cán bộ và người dân tại các địa phương trong khu vực 21 xã, phường ven biển của tỉnh. Đồng thời, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường nước biển, nước ngầm, nước mặt; xem xét ảnh hưởng của các nguồn thải từ nhà vệ sinh, sinh hoạt dân cư ảnh hưởng tới chất lượng môi trường nước các khu vực vào mùa khô.

 

Ô nhiễm nguồn nước ven bờ có nguyên nhân từ việc thiếu nhà vệ sinh khu dân cư

Ô nhiễm nguồn nước ven bờ có nguyên nhân từ việc thiếu nhà vệ sinh khu dân cư


Kết quả điều tra tại các xã: Đại Lãnh, Vạn Thắng, Vạn Hưng, Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho thấy, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn xảy ra, nước thải từ hoạt động sản xuất nhỏ (làm chả cá) có nồng độ chất ô nhiễm cao so với sinh hoạt dân cư. Nước ngầm, nước biển, nước sông Đồng Điền đều nhiễm Coliform (nhóm vi khuẩn tác nhân gây hại hệ tiêu hóa). Tại các xã: Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Phú, Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) có tổ chức thu gom chất thải nhưng không đồng đều, thôn Lệ Cam (Ninh Phú) chỉ đạt tỷ lệ 11% thu gom rác. Nước ngầm bị nhiễm Coliform, E. Coli và chất hữu cơ. Ngoài ra, thôn Lệ Cam và Mỹ Giang (Ninh Phước) còn bị nhiễm mặn. Nước biển gần bờ có mật độ TSS (tổng chất rắn lơ lửng) và Coliform vượt ngưỡng.


Tại TP. Nha Trang, tình hình thu gom rác được thực hiện khá triệt để. Tuy nhiên, tình trạng rác thải tràn ngập mặt nước và ven biển thường xuyên xảy ra tại phường Vĩnh Trường và xã Phước Đồng. Bên cạnh đó, 2 địa phương này và phường Vĩnh Nguyên có tỷ lệ nhà vệ sinh tự hoại thấp (dưới 48%), ít hơn các phường khảo sát. Các mẫu nước thải đều có mật độ Coliform vượt ngưỡng. Đáng chú ý là tình trạng các doanh nghiệp chế biến thủy sản lẫn trong khu dân cư hoặc cảng cá, chợ có nồng độ chất hữu cơ rất cao. Cửa sông Cái và sông Tắc nhiễm muối dinh dưỡng, dầu mỡ và Coliform…


Nhóm thực hiện đề tài chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, như: hạ tầng chưa đồng bộ, quy hoạch khu dân cư chưa hợp lý, chưa có các biện pháp xử lý, chế tài, do tác động của các hoạt động kinh tế khác nhưng chủ yếu là do các hoạt động ngư nghiệp phát thải và thiếu nhà vệ sinh gây ô nhiễm Coliform tại các vực nước.

 

Ngày 8-9-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài với tổng kinh phí hơn 945 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm bảo quản, sử dụng kết quả đề tài, phổ biến tài liệu tới các cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ công tác quản lý.

Từ thực tế trên, các nhà khoa học đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: tăng cường thu gom rác, xây dựng biện pháp thoát nước thải, hỗ trợ xây nhà vệ sinh, quản lý nước thải doanh nghiệp, tăng cường cấp nước sạch vùng nhiễm bẩn. Đồng thời, giai đoạn 2020 - 2030, nên đầu tư các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh và cấp nước sạch toàn bộ các khu dân cư ven biển. Đề tài đã hoàn thiện được bản đồ khu vực phân bố các khu dân cư ven biển tỷ lệ 1/25.000. Đồng thời, đề tài cũng kiến nghị kết quả đề tài cần gửi đến các ban, ngành liên quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Ban quản lý vịnh Nha Trang, Chi cục Nuôi trồng thủy sản và UBND các địa phương có biển. Từ đó nghiên cứu, xem xét, áp dụng và đưa ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Thạc sĩ Lê Thị Vinh cũng đề nghị tỉnh cần xem xét cho triển khai tiếp nhiệm vụ môi trường quy mô lớn trong 2 - 3 năm để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường kéo dài.


Theo ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội đồng nghiệm thu đề tài: Kết quả đề tài có ý nghĩa về mặt khoa học, đảm bảo đầy đủ các mục tiêu nhiệm vụ, công tác điều tra, khảo sát bố trí hợp lý, tương đối đầy đủ thể hiện được hiện trạng kinh tế - xã hội, điều kiện vệ sinh môi trường và các đối tượng chịu ảnh hưởng chính để đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường hợp lý, khả thi cho toàn bộ các khu dân cư ven biển của tỉnh. Hội đồng nghiệm thu thống nhất kết luận đề tài đạt yêu cầu. 


Vĩnh Lạc