10:01, 05/01/2017

Bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang

Đề tài "Đánh giá đa dạng sinh học khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang" do Viện Hải dương học thực hiện vừa được nghiệm thu, góp phần đánh giá hiện trạng, xu thế biến động đa dạng sinh học, từ đó đề xuất các biện pháp quản lý.

Đề tài “Đánh giá đa dạng sinh học khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang” do Viện Hải dương học thực hiện vừa được nghiệm thu, góp phần đánh giá hiện trạng, xu thế biến động đa dạng sinh học, từ đó đề xuất các biện pháp quản lý.


Những năm qua, có khá nhiều nghiên cứu liên quan đến đa dạng sinh học ven biển Khánh Hòa nói chung và vịnh Nha Trang nói riêng, góp phần cung cấp những tư liệu quan trọng về phạm vi phân bố, xu thế biến động và nguồn lợi đa dạng sinh học từ các hệ sinh thái, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn. Song song đó, từ khi được thành lập đến nay, Ban quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và quản lý tài nguyên trong khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, do quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ đã gây tác động xấu, đe dọa sự tồn tại và phát triển đa dạng sinh học trong vịnh. Vì thế, việc đánh giá lại một cách tổng thể hiện trạng đa dạng sinh học và hiệu quả quản lý tài nguyên vịnh Nha Trang từ năm 2001 đến nay là rất cần thiết.

 

Sinh vật rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang
Sinh vật rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang


Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Viện Hải dương học - chủ nhiệm đề tài, với hơn 812ha diện tích các hệ sinh thái tiêu biểu; 6 loài cây ngập mặn thực thụ; 7 loài cỏ biển; 115 taxa (đơn vị phân loại) động vật đáy trên các thảm cỏ biển; 504 loài sinh vật rạn san hô đã được ghi nhận cho thấy vịnh Nha Trang có tiềm năng đa dạng cao so với nhiều vùng khác ven bờ Việt Nam. Tuy nhiên, các rạn san hô không còn duy trì ở tình trạng tốt, độ phủ san hô sống trung bình chỉ đạt 20,1%; nguồn lợi động vật đáy còn rất ít, chủ yếu là cầu gai đen; nguồn cá rạn có mật độ thấp, cá cảnh kích thước nhỏ và ít có giá trị chiếm hơn 80%. Các thảm cỏ biển duy trì trong tình trạng tương đối tốt với độ phủ và mật độ cỏ biển, mật độ động vật đáy trung bình khá cao.


Đề tài đã xác định có hơn 25 nhóm đối tượng được khai thác bởi 10 nghề chính với tổng sản lượng thương phẩm đạt 327 tấn/năm, doanh thu hơn 11 tỷ đồng, trong đó nhóm cá là chủ lực. Bên cạnh đó, khai thác tôm hùm giống hàng năm trong vịnh ước đạt hơn 212.000 con, doanh thu 33 tỷ đồng.


Nghiên cứu của đề tài cho thấy, giai đoạn 2002 - 2015, thảm cỏ biển mất 64ha (45%) và rạn san hô bị mất 117,4ha (13,5%). Độ phủ san hô cứng duy trì ổn định toàn vùng nhưng số lượng rạn xấu và rất xấu tăng theo thời gian. Nguồn lợi động vật đáy và cá rạn có giá trị chưa có dấu hiệu phục hồi. Quần xã sinh vật rạn san hô trong năm 2015 bị giảm mạnh cả về độ giàu và phong phú (50%) so với năm 2002, đáng kể nhất là san hô tạo rạn và rong lớn. Tương tự, thảm cỏ biển (mật độ, động vật đáy như thân mềm, giáp xác, da gai…) cũng bị suy giảm độ phủ. Như vậy, sau 15 năm quản lý, nguồn lợi sinh vật chưa có dấu hiệu phục hồi.

 

Theo bà Đỗ Thị Hoàng Dung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh vừa phê duyệt kết quả đánh giá, nghiệm thu Đề tài “Đánh giá đa dạng sinh học khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (Quyết định 3334); giao UBND TP. Nha Trang bàn giao kết quả đề tài cho các sở, ngành liên quan (Tài nguyên và Môi trường; Khoa học công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Du lịch) để quản lý, ứng dụng.

Có thể thấy, tài nguyên đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang đang đối mặt với hàng loạt tác động. Đáng lưu ý là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm mất một phần đáng kể diện tích các hệ sinh thái tiêu biểu (thảm cỏ biển và rạn san hô); khai thác thủy sản; hoạt động du lịch biển; bùng nổ sao biển gai; san hô bị tẩy trắng do gia tăng nhiệt độ liên quan đến biến đổi khí hậu; lắng đọng trầm tích; nuôi trồng thủy sản và ô nhiễm môi trường.


Tiến sĩ Long kiến nghị, việc triển khai các nhóm giải pháp về thể chế và chính sách phải được thực hiện đồng bộ, gồm: điều chỉnh phân vùng chức năng; xây dựng cơ chế phối hợp; hướng dẫn sử dụng; xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quản lý nguồn giống; đa dạng phương thức quản lý; quản lý sản lượng, kích thước, mùa vụ khai thác; phục hồi hệ sinh thái; giám sát tài nguyên. Ngoài ra, quan tâm đầu tư khoa học và công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ; truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức cho các thành phần sử dụng và xây dựng cơ chế tài chính bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên đa dạng sinh học trong thời gian tới.


V.L