11:10, 03/10/2016

Quy hoạch bờ biển Nha Trang: Nhiều ý tưởng mới

Sau nhiều tháng khảo sát, kiến trúc sư người Pháp Gery H.Egon đã đề xuất nhiều ý tưởng mới và hợp lý để quy hoạch bờ biển dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang). Các ý tưởng này được lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và các kiến trúc sư tại Nha Trang đánh giá cao.

Sau nhiều tháng khảo sát, kiến trúc sư (KTS) người Pháp Gery H.Egon đã đề xuất nhiều ý tưởng mới và hợp lý để quy hoạch bờ biển dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang). Các ý tưởng này được lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và các KTS tại Nha Trang đánh giá cao.


Nhiều khu vực chưa phù hợp


Theo KTS Gery H.Egon, khu vực phía bắc đường Phạm Văn Đồng chủ yếu là đất lấn biển, không có bãi cát. Dải bờ biển đã có 3 dự án là: Amiana Resort, khu căn hộ cao cấp Marina và khu bến du thuyền quốc tế. Trong đó, thiết kế của khu bến du thuyền quốc tế và khu căn hộ cao cấp Marina không phù hợp do không gắn kết với bản sắc cảnh quan dải bờ biển. Còn khu đô thị Vĩnh Hòa chưa thật sự sôi động và về cơ bản không có bờ biển. Đây là khu đô thị bình dân, tầm trung, trong khi đối diện đó là câu lạc bộ bến du thuyền quốc tế thuộc loại thượng hạng. Như vậy, người dân sẽ mất bờ biển mà người dùng câu lạc bộ du thuyền sẽ không có dịch vụ du lịch xứng tầm phía sau.

 

Một góc thành phố Nha Trang nhìn từ trên cao
Một góc thành phố Nha Trang nhìn từ trên cao


Tại khu vực phường Vĩnh Hải có dải bờ biển dài và hẹp nhưng không có chỗ cho bãi tắm, công viên. Thế mạnh ở đây là khu dân cư đông đúc, dịch vụ tốt, rẻ, nhất là các loại hình dịch vụ ăn uống bình dân. Vì thế, nên phát huy các loại hình dịch vụ này tại đây nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm. Dải bờ biển trước Bãi Dương, Hòn Chồng, Hòn Đỏ có ý nghĩa chiến lược do cảnh quan đẹp, vị trí gần trung tâm, là mặt tiền của các trường đại học. Tuy nhiên, thiết kế công viên hiện trạng như: Nha Trang Sao, Công viên Bãi Dương… chưa thể hiện được tính chiến lược cũng như hiệu quả sử dụng. Vì thế, khu vực này cần thiết kế lại, phân tích kỹ về đối tượng, công năng sử dụng, mối liên hệ với cảnh quan…


Với cái nhìn khách quan, KTS Gery H.Egon và các cộng sự có những đánh giá khái quát nhưng nói lên được thực trạng cơ bản nhất ở khu vực trung tâm, từ cầu Trần Phú đến quân cảng. Theo đó, khu hành chính hiện trạng sẽ di dời nên nhu cầu sử dụng bãi biển khu vực này dự báo sẽ rất cao trong tương lai. Sau khi di dời, khu đất trống cần dành cho những mục tiêu chiến lược, quyết định đến tương lai của thành phố. Cửa sông Cái gây ô nhiễm nên cần có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, khu nhà hàng Bốn Mùa và Khu nghỉ mát Ana Mandara tạo thành bức tường lớn chắn tầm nhìn ra biển, trong khi các công viên chưa được sử dụng hiệu quả. Sân bóng Thanh Niên có diện tích quá lớn và đang trong tình trạng lãng phí.


Mở rộng dải bờ biển


Một trong những đánh giá của KTS Gery H.Egon là bãi cát phía đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng hiện nay quá hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách trong tương lai. Dưới nước chỉ cần đi bộ ra vài mét là ngập đến đầu, không lý tưởng để trở thành bãi tắm thu hút du khách. Chính vì vậy, KTS Gery H.Egon mạnh dạn đề xuất ý tưởng mở rộng bãi cát ven biển bằng cách nhân tạo hoặc can thiệp để bồi lắng.

 

Bờ biển Nha Trang sẽ được quy hoạch phát triển theo định hướng lâu dài
Bờ biển Nha Trang sẽ được quy hoạch phát triển theo định hướng lâu dài


Vấn đề này nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các sở, ngành và KTS. Đa số đều đồng ý với ý tưởng này nhưng vấn đề quan trọng là giải pháp thực hiện ý tưởng. Bởi từ trước đến nay, bờ biển Nha Trang bị xâm lấn, bãi cát cứ hẹp dần, bãi tắm thì ngày càng sâu. Vì vậy, để mở rộng được bãi cát, bãi tắm dọc công viên biển là vấn đề không đơn giản. Theo KTS Nguyễn Ngọc Đà, đây là nghiên cứu đưa ra định hướng rất dài hơi cho TP. Nha Trang, trong đó đã nêu được vấn đề giữ lại bãi biển công cộng, hạn chế tối đa sự chia cắt. Bờ biển Nha Trang nhiều thời điểm đã quá tải du khách, trong tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều hơn. Vì vậy, mở rộng bãi cát là vấn đề cần được tính đến, có thể là phương pháp can thiệp để bồi lắng tự nhiên.


Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: “Việc mở rộng bãi cát ven biển là vấn đề rất khó, cần được nghiên cứu kỹ về độ sâu, chuyển động của sóng… xem có bồi đắp được không. Nếu mở rộng được dải bờ cát thì quá tốt để phát triển du lịch trong tương lai. Ở phía tây đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng hiện nay đã hết quỹ đất. Muốn đẩy các khách sạn lui vào sâu để dành không gian công cộng và phố đi bộ là điều không thể bởi nó tốn một số tiền khổng lồ và cực kỳ rắc rối”.


Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất định hướng mở rộng bờ biển trong tương lai, trong đó dải bờ biển cần có các hoạt động thể thao, giải trí, thư giãn cho cộng đồng; có những khu vực náo nhiệt nhưng phải rà soát đảm bảo tính văn hóa, truyền thống dân tộc. Quy hoạch cũng phải thể hiện được kết nối phía đông và phía tây nhiều hơn nhằm tăng khả năng đáp ứng lưu lượng khách.


VĂN KỲ
 



Ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Năm 2018, khu Ana Mandara sẽ di dời vào Bãi Dài. Quỹ đất đó sẽ dành để phát triển không gian công cộng phục vụ cộng đồng. Vấn đề là phải nghiên cứu để kết nối với công viên Phù Đổng và các khu vực lân cận. Đề nghị quy hoạch cần nghiên cứu thêm vấn đề này.

 

_____________________________________



KTS Gery H.Egon đề xuất, trong quy hoạch phát triển phía đông TP. Nha Trang, cần phát huy tối đa giá trị lịch sử vùng biển, đặc biệt là nâng tầm thương hiệu của Viện Pasteur Nha Trang và Viện Hải dương học. Chính vì vậy, bằng mọi giá phải giữ gìn, tăng cường kinh phí hoạt động và quảng bá cho 2 viện này. Đặc biệt, khu trước mặt Viện Hải dương học có thể biến thành khu trưng bày ngoài trời về hải dương học, ngành nghề biển, môi trường biển… nhằm thu hút du khách.