11:09, 04/09/2016

Khu Bảo vệ biển Rạn Trào: Cần nguồn lực để bảo tồn

Sau khi Trung tâm Bảo tồn biển và Phát triển cộng đồng rút đi, Khu Bảo vệ biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) rất cần nguồn lực để duy trì và phát triển.

Sau khi Trung tâm Bảo tồn biển và Phát triển cộng đồng (MCD) rút đi, Khu Bảo vệ biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) rất cần nguồn lực để duy trì và phát triển.


Hiệu quả sâu rộng


Rạn Trào là vùng biển có tính đa dạng sinh học cao với 82 loài san hô, 69 loài cá rạn và nhiều loài sinh vật biển có giá trị như: tu hài, ốc nhảy, cá ngựa, hải sâm, cỏ biển… Vì thế, Khu Bảo vệ biển Rạn Trào được UBND huyện Vạn Ninh và Liên minh Sinh vật biển quốc tế (IMA) thành lập năm 2001 (quyết định công nhận năm 2008) với tổng diện tích 54ha, trong đó vùng lõi rộng 25ha có mật độ san hô dày đặc.

 

Thu gom rác tại Khu Bảo vệ biển Rạn Trào
Thu gom rác tại Khu Bảo vệ biển Rạn Trào


Ngay sau khi thành lập, UBND huyện Vạn Ninh đã phối hợp cùng nhiều tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu hải dương và các ban, ngành trong và ngoài huyện triển khai xây dựng Khu Bảo vệ biển Rạn Trào. Một trong những mục tiêu hàng đầu là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức các hoạt động làm sạch bãi biển, lắp đặt pa nô tuyên truyền tại các thôn trên địa bàn xã Vạn Hưng để nâng cao nhận thức người dân. Bên cạnh đó, Khu Bảo vệ biển Rạn Trào còn xây dựng tổ quản lý bảo vệ (được bồi dưỡng 500.000 đồng/người/tháng) hoạt động 24/24 giờ nhằm tuyên truyền, ngăn chặn người dân đánh bắt, nuôi trồng nơi đây, góp phần tái tạo và phát triển nguồn lợi sinh vật biển và đa dạng sinh học trong khu vực. Ngoài ra, Khu Bảo vệ biển Rạn Trào còn được MCD hỗ trợ các mô hình sinh kế nhằm tạo lợi ích cho cộng đồng, giảm việc khai thác nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển.


Ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế Vạn Ninh cho biết, từ năm 2007 đến 2016, huyện Vạn Ninh đã hỗ trợ Khu Bảo vệ biển Rạn Trào tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng (xăng dầu, phụ cấp, sửa nhà bảo vệ, ghe thuyền...). Còn MCD đã triển khai 10 mô hình: nuôi rong sụn, hải sâm, tu hài, làm chổi dừa, hàng mỹ nghệ, du lịch sinh thái, nuôi chim bồ câu, trồng lúa, nuôi gà… với tổng kinh phí 785 triệu đồng, có 154 hộ tham gia. Đến nay, Khu Bảo vệ biển Rạn Trào vẫn duy trì được đội quản lý bảo vệ hoạt động liên tục, phối hợp cùng các lực lượng khác, trong đó có bộ đội biên phòng.


Cần huy động nguồn lực trợ giúp


Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, đầu năm 2015, MCD rút đi, Khu Bảo vệ biển Rạn Trào mất đi nguồn hỗ trợ, mặc dù huyện Vạn Ninh vẫn duy trì kinh phí đối ứng. Do không phải là khu bảo tồn biển nên nguồn kinh phí không được đáp ứng theo chế độ, chính sách. “Hiện nay, mức hỗ trợ cho thành viên tổ quản lý bảo vệ quá thấp, trong khi anh em phải làm việc 24/24 giờ. Nhưng nếu không có tổ bảo vệ thì việc khai thác, phá hoại vùng rạn san hô rất khó giữ được. Bên cạnh đó, các mô hình sinh kế cũng bị bế tắc do bị cắt kinh phí. Vì thế, xã rất mong UBND huyện Vạn Ninh và UBND tỉnh quan tâm cấp kinh phí cho Khu Bảo vệ biển Rạn Trào hoạt động”, ông Lộc nói.


Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch An Phú (trụ sở tại TP. Nha Trang) có hướng đầu tư phát triển du lịch tại đây bằng các hình thức lặn biển ngắm san hô, phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, hồ sơ đã được UBND huyện chấp nhận và đang thẩm định tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong. Ngoài ra, huyện Vạn Ninh đang xây dựng đề tài huy động nguồn lực bảo tồn và phát triển Khu Bảo vệ biển Rạn Trào. Theo đó, sẽ tiếp tục duy trì mô hình quản lý bảo vệ cộng đồng; hỗ trợ các mô hình sinh kế phát triển như: nuôi rong sụn, hải sâm, nuôi bò; xã hội hóa công tác bảo tồn với phát triển du lịch cộng đồng.


P.L