10:07, 29/07/2016

Có giấy phép, người dân vẫn phản đối

Tuy đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động nhưng đến thời điểm này, một số người dân địa phương vẫn chưa đồng thuận với sự có mặt của nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại (đóng tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Tuy đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp phép hoạt động nhưng đến thời điểm này, một số người dân địa phương vẫn chưa đồng thuận với sự có mặt của nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại (đóng tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Họ tiếp tục cố tình ngăn cản nhà máy hoạt động.


Sau 2 đợt tổ chức đánh giá tác động môi trường nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại của Công ty Cổ phần (CP) Môi trường Khánh Hòa với các kết quả đảm bảo theo quy định, cuối tháng 5, Bộ TN-MT quyết định cấp giấy phép hoạt động cho công ty. Ngày 28-7, Công ty CP Môi trường Khánh Hòa đã tổ chức lễ công bố giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

 

Người dân tụ tập phản đối việc cho tồn tại nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn. (Ảnh chụp ngày 28-7)
Người dân tụ tập phản đối việc cho tồn tại nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn. (Ảnh chụp ngày 28-7)


 Tại lễ công bố, lãnh đạo Sở TN-MT và UBND thị xã Ninh Hòa đề nghị khi đi vào hoạt động, công ty cần tuân thủ đúng các quy định về xử lý chất thải, thực hiện xét nghiệm định kỳ về môi trường và thông báo công khai để người dân cùng theo dõi, quản lý. Được biết, đây là nhà máy xử lý chất thải nguy hại đầu tiên của tỉnh, được xây dựng trên diện tích 6ha với tổng vốn đầu tư gần 137 tỷ đồng. Nhà máy có 3 hệ thống xử lý chính gồm: hệ thống xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý chất thải khí và hệ thống xử lý chất thải lỏng; công suất hoạt động 100 tấn/ngày.


Tuy nhiên, cũng trong ngày diễn ra lễ công bố, gần 100 người dân thôn Ninh Ích, xã Ninh An đã tụ tập tại nhà văn hóa thôn để phản đối, không đồng tình việc bố trí nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại thôn Ninh Ích, vì cho rằng đây là khu vực đang bị ô nhiễm. Người dân lo ngại với việc xuất hiện thêm một nhà máy xử lý chất thải sẽ khiến môi trường trong khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao hơn. Bà Trương Thị Thúy Hồng - người dân địa phương nói: “Nơi đây đã bị ô nhiễm nặng, một thôn nhỏ mà có đến 3, 4 khu vực gây ô nhiễm như: nghĩa trang, bãi rác, các nhà máy... thì làm sao sống nổi. Chúng tôi sẽ phản đối, không cho nhà máy hoạt động. Nếu xe chở rác thải tới thì chúng tôi sẽ chặn đường không cho vào nhà máy”.


Trong khi đó, ông Hà Quang Hòa - Giám đốc Công ty CP Môi trường Khánh Hòa cho biết: “Người dân tiếp tục cố tình cản trở không cho nhà máy hoạt động là trái pháp luật, không thể chấp nhận được. Đầu tháng 8, nhà máy sẽ chính thức đi vào vận hành. Vì vậy, chúng tôi đề nghị chính quyền thực hiện những biện pháp cương quyết hơn dựa trên quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công ty hoạt động”.


Như Báo Khánh Hòa từng phản ánh, đây không phải là lần đầu tiên người dân thôn Ninh Ích, xã Ninh An có hành vi ngăn cản hoạt động của nhà máy này. Trong quá trình vận hành thử nghiệm để đánh giá tác động môi trường của nhà máy, người dân nhiều lần tụ tập đông người để phản đối. Đỉnh điểm của vụ việc, vào đầu tháng 3, người dân địa phương đã tạm giữ chiếc xe chở rác vào nhà máy của Công ty CP Môi trường Khánh Hòa. Sau khi vụ việc xảy ra, UBND thị xã, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe nguyện vọng của người dân và tìm hướng giải quyết. Thế nhưng, 5 tháng qua, chiếc xe vẫn bị tạm giữ trái phép.

 

Theo giấy phép được Bộ TN-MT phê duyệt, từ ngày 31-5, công ty được phép thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải thuộc 6 vùng trên cả nước, gồm: trung du và miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; được phép sử dụng, vận hành các phương tiện, thiết bị chuyên dụng để xử lý các nhóm chất thải nguy hại theo quy định. Giấy phép có hiệu lực đến hết ngày 31-5-2019.

Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Tất cả các nguyện vọng của người dân đã được địa phương đáp ứng. Nếu họ vẫn cố tình chống đối, chúng tôi sẽ có biện pháp cứng rắn để xử lý. Thời gian tới, UBND thị xã sẽ có phương án bảo vệ, cưỡng chế giải phóng chiếc xe mà người dân tạm giữ trái phép và có biện pháp để nhà máy hoạt động”.


Việc người dân tự ý giữ xe chở rác vào nhà máy là hành vi vi phạm pháp luật, cần được nghiêm khắc xử lý. Tuy nhiên, qua sự việc này cũng cần đánh giá lại năng lực hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương. Bởi lẽ hơn ai hết, thành viên của các tổ chức đoàn thể cũng chính là thành viên trong mỗi gia đình tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An. Trước hết, các thành viên này phải nâng cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng cho chính người thân trong gia đình, góp phần tạo nên sự đồng thuận để chấp hành tốt các quyết định của Nhà nước.


ĐÌNH LÂM - MINH TRÚC