11:07, 13/07/2016

Gặp khó vì chưa có quy hoạch

Hiện nay, các lò mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hầu hết nằm trong khu dân cư, không bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch lò mổ tập trung nên việc cấp phép vẫn còn khó khăn.

Hiện nay, các lò mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hầu hết nằm trong khu dân cư, không bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch lò mổ tập trung nên việc cấp phép vẫn còn khó khăn.


Không bảo đảm yêu cầu vệ sinh


Tiếp xúc một số lò mổ tại thị xã Ninh Hòa, chúng tôi nhận thấy hầu hết các lò mổ đều thiếu phương tiện xử lý nước thải, chất thải. Tuy các lò mổ có bố trí người quét dọn, vệ sinh nhưng nhìn chung chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm. Ông Phạm Ngọc Tiến (thôn Quang Đông, xã Ninh Đông) cho biết, chất thải, nước thải tại lò mổ của ông lâu nay vẫn được xả ra con kênh sau nhà.

 

Một lò mổ tại thị xã Ninh Hòa
Một lò mổ tại thị xã Ninh Hòa

 
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, toàn địa bàn có 30 lò mổ tư nhân, chủ yếu là mổ heo, quy mô dưới 10 con/ngày, diện tích từ 50 đến 100m2, nằm hoàn toàn trong khu dân cư, hệ thống xử lý nước thải còn thô sơ. Ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, những năm qua, trên địa bàn thị xã có một số tư nhân đề nghị cấp phép hoạt động lò mổ. Tuy nhiên, thị xã không thể cấp phép do vướng quy định chung như: lò mổ nằm trong khu dân cư, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh, xử lý nước thải, chất thải... Để giải quyết nhu cầu cung cấp thực phẩm trên địa bàn, thị xã chỉ cấp phép tạm thời, giao Trạm Chăn nuôi và thú y hàng ngày bố trí cán bộ kiểm tra, đóng dấu.


Ông Bùi Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: sản xuất giống thủy sản, nuôi thủy sản, giết mổ gia súc... trên địa bàn đều vướng các quy định nên không thể cấp phép. Thị xã đã có văn bản kiến nghị tỉnh nhưng do quy hoạch thay đổi, thậm chí quá chậm nên vấn đề này còn kéo dài.


Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở TP. Cam Ranh. Ông Nguyễn Dự - Trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y Cam Ranh cho hay, thành phố đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y tiến hành quy hoạch lại hoạt động lò mổ. Trước mắt, cơ sở nào đầu tư đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thực phẩm, xử lý tốt môi trường sẽ được cấp phép, tạo thuận lợi cho các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.


Sẽ hoàn thành quy hoạch trong tháng 9


Vừa qua, Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y, Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Trung tiến hành khảo sát, dự kiến có 3 khu vực quy hoạch lò mổ tập trung là: Hòn Xang (xã Ninh Quang), Đống Đa (xã Ninh Sim) và xã Ninh Ích. Các khu vực này trước mắt đáp ứng được yêu cầu về đất đai, thuận tiện.

 

Ngày 1-7, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2016 quy định rất nghiêm ngặt hoạt động lò mổ. Theo đó, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường (các khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện). Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Nhà xưởng, dây chuyền sản xuất bố trí theo quy tắc một chiều, phân luồng riêng đối với sản phẩm, phụ gia, vật liệu bao gói, phế thải. Đồng thời, tách biệt khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm…

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y, trên địa bàn tỉnh hiện tại có 205 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật (191 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm và 14 cơ sở sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật). 6 tháng đầu năm, chỉ có 4 cơ sở sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ đều chưa có giấy phép kinh doanh, vì vậy việc cải tạo, sửa chữa cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở giết mổ tập trung (tại huyện Cam Lâm và Diên Khánh) nhưng đầu tư đã lâu, xuống cấp, công suất thấp.


Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y cho biết, chi cục đang phối hợp với các trạm và đơn vị liên quan tiến hành rà soát, quy hoạch lò mổ tập trung. Việc quy hoạch sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9. Trước mắt, cơ sở nào đầu tư tốt cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống xử lý đạt yêu cầu, không ảnh hưởng đến khu dân cư, chi cục vẫn tiến hành cấp giấy phép hoạt động.


Chi cục Chăn nuôi thú y kiến nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với sở, ban, ngành đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung; xây dựng chính sách hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung và các doanh nghiệp kinh doanh về giết mổ. Có như vậy, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm mới đi vào nề nếp, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.


V.L