11:08, 20/08/2015

Quản lý khai thác nước ngầm: Còn nhiều bất cập

Tuy Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khai thác nước ngầm, nhưng công tác này vẫn còn nhiều bất cập.

Tuy Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khai thác nước ngầm, nhưng công tác này vẫn còn nhiều bất cập.


Quản lý lỏng lẻo


Thời gian gần đây, do hạn hán kéo dài nên hoạt động khai thác nước ngầm diễn ra tràn lan. Tại huyện Cam Lâm, việc khoan giếng diễn ra khá nhiều. Đặc biệt, tại Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, hoạt động khai thác nước ngầm phục vụ thi công các công trình cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, theo Ban quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, một số nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện tốt quy định của Nhà nước về khai thác nước ngầm. Vì thế, Ban này cũng đã đề nghị cơ quan chức năng chủ động kiểm tra, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký, khai báo thực hiện tốt việc khai thác nước ngầm theo quy định của pháp luật.

 

Tình trạng khai thác nước ngầm không phép đang phổ biến
Tình trạng khai thác nước ngầm không phép đang phổ biến


Ông Hoàng Anh Hào - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nước - Khí tượng thủy văn Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, do phục vụ nhu cầu xây dựng nên hoạt động khai thác nước ngầm đang diễn ra phổ biến trên địa bàn, “nóng” nhất là khu vực Bãi Dài. Ngoài ra, các điểm khai thác nhỏ lẻ hầu như ở đâu cũng có, điển hình là ở các nhà hàng, khách sạn dọc đường Trần Phú (TP. Nha Trang). Theo quy định, nếu quy mô khai thác dưới 10m3, đơn vị khai thác không cần lập hồ sơ cấp phép, nhưng phải đăng ký với cơ quan chức năng. Qua kiểm tra tình hình khai thác nước ngầm tại Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, Sở TN-MT xác định mới có 4 doanh nghiệp có giấy phép, còn lại đều hoạt động không phép...


Trong khi đó, một nhóm thợ khoan giếng đến từ huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết, họ làm công việc này đã lâu nhưng chưa từng nghe đến việc khoan giếng phải báo cáo cơ quan chức năng và đóng thuế tài nguyên. Chi phí cho một giếng khoan khoảng 50 triệu đồng tương ứng với độ sâu 60m, nếu sâu hơn thì chi phí nhiều hơn.


Cần tăng cường quản lý


Sự hình thành mạch nước ngầm có thời gian rất lâu. Nước ngầm có vai trò quan trọng trong đời sống và phát triển bền vững. Nước tích tụ trong các lớp đất đá dưới lòng đất thông qua các tế khổng. Tế khổng lớp đất mặt bị bốc hơi, cây hấp thụ, phần còn lại trực di xuống các lớp nham thạch trong lòng đất làm bão hòa các lổ hổng bên trong, khiến cho các lớp đá này ngậm nước tạo nên mạch nước ngầm. Quá trình này diễn ra từ vài chục đến hàng trăm năm.

 

Toàn tỉnh có tổng trữ lượng tĩnh nước ngầm hơn 3,7 tỷ m3; tổng trữ lượng nước động thiên nhiên hơn 612.000m3/ngày; tổng trữ lượng khai thác tiềm năng hơn 724.000m3/ngày. Năm 2014, Thanh tra Sở TN-MT đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 11 đơn vị có hoạt động liên quan đến lĩnh vực khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 97 giấy phép khai thác nước dưới đất.

Hiện nay, công tác quản lý tài nguyên nước đã được Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều văn bản như: Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị định 201 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 27/2014 của Bộ TN-MT quy định việc đăng ký, khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước; Quyết định số 15/2008 của Bộ TN-MT quy định bảo vệ nước dưới đất... Đối với Khánh Hòa, UBND tỉnh rất quan tâm khi cho tiến hành điều tra, đánh giá trữ lượng và chất lượng nước dưới đất tại một số khu vực, chủ yếu là vùng ven biển để làm cơ sở cho các hoạt động cấp phép và bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực thực hiện việc kiểm tra, xử lý; Bộ TN-MT cũng chưa triển khai Đề án kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, thiếu cơ chế phân bổ, hỗ trợ kinh phí cho địa phương triển khai điều tra, đánh giá tài nguyên nước để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, quy hoạch... nên các địa phương chưa đủ cơ sở tham mưu thực hiện quản lý quy hoạch trong lĩnh vực này.


Để quản lý tốt nguồn tài nguyên nước ngầm, ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở TN-MT đề xuất, Bộ TN-MT cần sớm ban hành, hướng dẫn lập quy hoạch tài nguyên nước đối với các địa phương; hướng dẫn việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước; phân cấp quản lý cho địa phương trong các hoạt động cấp phép và quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra, thực hiện khoanh định khu vực đăng ký khai thác nước dưới đất, điều tra, đánh giá trữ lượng, xác định khu vực cần phải đăng ký khai thác nước dưới đất, từ đó lập danh mục đăng ký khai thác nước dưới đất; tăng cường thu thuế tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ... Có như vậy, công tác quản lý về tài nguyên nước mới hiệu quả.


P.L