06:08, 13/08/2013

Khổ vì nước giếng nhiễm mặn

Đời sống của gần 20 hộ dân ở tổ dân phố Mỹ Á, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa đang gặp không ít khó khăn vì nguồn nước giếng bị nhiễm mặn. Hiện vẫn chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng theo người dân địa phương, nguyên nhân của tình trạng trên là do các hộ nuôi thủy sản giống trong khu vực thải nước biển ra môi trường.

Đời sống của gần 20 hộ dân ở tổ dân phố Mỹ Á, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa đang gặp không ít khó khăn vì nguồn nước giếng bị nhiễm mặn. Hiện vẫn chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng theo người dân địa phương, nguyên nhân của tình trạng trên là do các hộ nuôi thủy sản giống trong khu vực thải nước biển ra môi trường.


Nước giếng mặn như… nước biển


Ngày 8-8, chúng tôi đến tổ dân phố Mỹ Á để xác minh thông tin nguồn nước bị nhiễm mặn do người dân phản ánh qua đường dây nóng. Ông Trương Văn Tấn, nhà cách các trại nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương khoảng 20m tiếp chúng tôi bằng việc mời ra... uống thử nước giếng: “Nói có sách mách có chứng. Các chú ra nếm thử nước giếng, rồi mới hình dung được nỗi khổ của người dân chúng tôi”. Nói rồi ông Tấn đi ra phía sau nhà, dùng gàu kéo nước từ dưới giếng lên để chúng tôi nếm thử. Nước rất trong, nhưng lại mặn chẳng kém nước biển. Ông Tấn cho biết, khu vực này cách biển gần 1km, 10 năm về trước, nước giếng nơi đây chưa từng bị nhiễm mặn và người dân nơi đây bao đời nay vẫn dùng nước giếng cho mọi sinh hoạt. Từ năm 2001, 2 người dân từ nơi khác đến mua đất gần nhà ông, lập trại nuôi tôm giống. Đến năm 2003, một số bể nuôi của 2 trại tôm này bị nứt, vỡ làm thoát nước biển ra môi trường khiến giếng nước của các hộ dân trong khu vực bắt đầu nhiễm mặn. Sau đó, trong khu vực dân cư này xuất hiện thêm 2 trại nuôi tôm, ốc hương giống và cả 4 trại đều xả nước mặn ra hồ bỏ hoang trong khu vực nên toàn bộ các giếng nước của người dân trong vùng bị nhiễm mặn ngày càng trầm trọng. “Gần chục năm nay, những hộ dân như chúng tôi phải khoan, đào mỗi nhà thêm vài ba cái giếng khác nhưng tất cả đều như nhau, nước không thể dùng được. Thậm chí trong vườn, ngoài cỏ dại, không có cây trồng nào có thể sống nỗi”, ông Tân bức xúc.

 

Khổ vì nước giếng nhiễm mặn
Nước giếng nhà ông Tấn mặn như nước biển.


Ông Nguyễn Văn Phúc, nhà nằm kề một trại tôm cho biết: “Năm 2003, trại của ông Tuyến và ông Quỳnh bị vỡ bể nuôi làm nước biển chảy ra môi trường làm giếng nhà tôi và một số hộ gần đó không sử dụng được. Chúng tôi được họ “đền” cho giếng khác nhưng chỉ dùng được thời gian ngắn rồi cũng phải bỏ vì nước mặn như nước biển. Sau đó, tôi khoan thêm 2 cái giếng ở phía trước nhà nhưng nước cũng không thể dùng được. Nhiều năm nay, ngày nào tôi cũng phải đến Nhà máy Xi măng Hòn Khói hay của các hộ dân gần nhà máy, cách nhà hơn 1km để xin nước về dùng”. Ngoài các hộ ông Tấn, ông Phúc, hiện tại giếng nước của gần 20 hộ dân khác ở gần các trại nuôi thủy sản giống nơi đây không thể sử dụng vì nước rất mặn.


Đâu là nguyên nhân?


Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại trong khu dân cư nói trên có 4 trại nuôi tôm, ốc hương giống. Người dân địa phương cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến giếng nước của họ bị nhiễm mặn. Ông Trần Văn Nghĩa - Tổ phó tổ dân phố Mỹ Á cũng nhận định: “Bao đời nay, người dân nơi đây chỉ dùng nước giếng. Tuy gần biển nhưng nếu đào giếng thì vẫn cứ được nước ngọt. Nhưng từ khi các trại nuôi thủy sản giống hoạt động, giếng nước của các hộ dân trong khu vực bị nhiễm mặn ngày càng nặng”.

 4 trại nuôi tôm, ốc hương giống trong khu dân cư.
4 trại nuôi tôm, ốc hương giống trong khu dân cư.


Theo bà Ánh, chủ một trại tôm giống, trại của bà có hệ thống đường ống để bơm trả nước biển sau khi nuôi ra biển nên không xả thẳng ra hồ nước trong khu dân cư. Tuy nhiên, do hoạt động mười mấy năm liền nên cũng không thể tránh khỏi việc nước biển rò rỉ ra môi trường. Trong khi đó, ông Vũ Đình Chiêu, chủ trại ốc hương giống gần đó lại cho hay: “Tôi mới lập trại 3 năm nay nên việc xây dựng các hệ thống theo quy trình lấy - xả nước khoa học và an toàn hơn và chưa từng xả nước thải sau khi nuôi ra hồ. Còn các trại khác ở đây, trước khi bị kiểm tra họ đều thải ra cái hồ phía sau”. Anh H., một người trong nghề nuôi tôm giống ở Mỹ Á cho biết: “Nuôi tôm giống mỗi tháng thu 2 lứa, sau mỗi lứa phải xả nước cũ để thay nước mới. Mỗi trại tôm của các hộ này bình quân có 20 - 30 bể nuôi, mỗi bể 5m3. Như vậy hàng tháng nước thải từ các trại này là rất lớn, trong khi đường ống bơm trả ra biển lại nhỏ thì làm sao bơm xuể? Tôi cũng nuôi y như vậy nhưng trại nằm sát biển, không ảnh hưởng đến ai”.


Theo bà Huỳnh Kiều Minh Xuân - cán bộ quản lý đô thị phường Ninh Thủy: “Sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, ngày 8-7-2013, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra đối với 4 trại nuôi tôm, ốc hương giống ở tổ dân phố Mỹ Á. Tại đây chúng tôi phát hiện trại của ông Vũ Đình Chiêu và trại của ông Bùi Quang Quyền có bắc đường ống dẫn từ bể chứa nước thải ra hồ phía sau, nhưng tại thời điểm kiểm tra không phát hiện xả nước. Chúng tôi đã yêu cầu 2 cơ sở này tháo dỡ đường ống này. Đến ngày 15-7, chúng tôi tiếp tục kiểm tra và ghi nhận 1 cơ sở đã tháo dỡ, hộ khác đã bít đường ống nói trên. Chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng nước giếng của một số hộ dân gần đó mặn như nước biển, nhưng hiện tại vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi các trại nuôi này, nếu phát hiện xả nước thải trong khu dân cư, sẽ lập biên bản, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và kiến nghị cấp trên có biện pháp xử lý”.

Ống dẫn nước thải từ một sơ sở ra hồ vẫn tồn tại.
Ống dẫn nước thải từ một sơ sở ra hồ vẫn tồn tại.


Ông Trần Văn Phải - Bí thư Đảng ủy phường Ninh Thủy cũng cho biết: “Việc nước giếng của một số hộ dân tổ dân phố Mỹ Á bị nhiễm mặn nặng là có thật, nhưng về nồng độ mặn cụ thể là bao nhiêu và nguyên nhân từ đâu thì phải chờ sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn. Nhưng theo tôi, việc tồn tại các trại nuôi thủy sản trong khu dân cư là khó chấp nhận và cần phải sớm giải quyết. Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ địa phương trong việc giải quyết vấn đề này; đồng thời quy hoạch vùng sản suất tôm giống, chế biến thủy sản hợp lý để không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân”.


NAM - ANH