11:07, 31/07/2013

Kiên quyết thực hiện

Kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh ăn uống lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông là quyết tâm mới của UBND phường Vĩnh Trường - TP. Nha Trang nhằm lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, chính quyền phường cũng gặp khó khi thay đổi thói quen của người dân.

Kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh ăn uống lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông là quyết tâm mới của UBND phường Vĩnh Trường - TP. Nha Trang nhằm lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, chính quyền phường cũng gặp khó khi thay đổi thói quen của người dân.


Đường đi thành nơi nấu ăn


Đó là nhận xét của ông Nguyễn Hữu Cường - Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Trường về đường Võ Thị Sáu, tuyến đường chính của phường.


Theo ông, vấn đề trật tự giao thông, đô thị trên đường Võ Thị Sáu là băn khoăn lớn của Đảng ủy, UBND phường. Con đường này, đoạn qua phường Vĩnh Trường, vốn đã chật lại càng thêm hẹp khi nhiều hoạt động của người dân diễn ra không chỉ trên lề đường mà ngay cả dưới lòng đường. Lề đường trở thành nơi tập kết ngư lưới cụ, thùng đựng nước mắm, hải sản... nhiều thứ ngổn ngang tràn ra cả lòng đường. Đoạn nào chưa trở thành nơi chứa hàng thì trở thành điểm bán cà phê, hàng ăn, quán nhậu. Lề đường hết, hàng chục quán ăn như: Bún, phở, cháo, vịt lộn... được người dân bày trọn vẹn gồm bàn, ghế, dù và cả bếp nấu ngay ở lòng đường. Những đoạn đường ngắn chưa có buôn bán thì trở thành điểm đậu xe đông lạnh chờ lấy hàng từ cảng cá Vĩnh Trường. Anh Nguyễn Tuấn Anh, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ khi đường Trần Phú rất đẹp, nề nếp nhưng đến đường Võ Thị Sáu thì rất bừa bộn, người dân địa phương dựng quán, ăn uống ngay trên đường. Ăn uống, đi bộ, người và xe lẫn lộn không khác gì một khu chợ”.


Theo ông Trần Hòa, người dân địa phương, tình trạng buôn bán, lấn chiếm như hiện nay đã giảm so với những ngày tàu cá cập cảng. Do cảng cá Vĩnh Trường quá chật hẹp nên khi cá về, đường Võ Thị Sáu trở thành chợ cá với nhiều âm thanh hỗn độn. Do đây là tuyến đường độc đạo, không có con đường khác để ra khỏi đây nên có chỗ mọi người phải chen lấn, nhích từng bước một.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên một đoạn đường Võ Thị Sáu.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên một đoạn đường Võ Thị Sáu.


Con đường này vốn là đường cụt nhưng lại là tuyến đường “xương sống”, 2 bên đường có rất nhiều con hẻm nhỏ, dân cư đông đúc, ở đây lại có cảng cá Vĩnh Trường, chợ địa phương nên mật độ giao thông, lượng người qua lại rất dày đặc. Trong khi đó, do diện tích nhà nhỏ, chật hẹp nên nhiều người dân đã biến lề đường thành nơi chứa các vật dụng của gia đình hoặc thành nơi sinh hoạt như: Giặt quần áo và... nấu ăn. Thói quen này lâu dần trở thành nếp sinh hoạt chung của đa số người dân nơi đây. Vì vậy, cứ vào buổi chiều, đoạn cuối đường Võ Thị Sáu nhanh chóng biến thành những “bếp ăn vỉa hè”. Cũng vì vậy mà khi đường vòng qua núi Chụt hoàn thành, nối từ đường Võ Thị Sáu qua đường Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên), nếp sinh hoạt này vẫn không thay đổi mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động, tuyên truyền. “Tình trạng lộn xộn trên đường Võ Thị Sáu còn là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự công cộng ở địa phương. Đa số đơn thư khiếu nại gửi lên phường đều là tranh chấp dân sự lặt vặt do tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây ra” - ông Cường nói.


Khó thay đổi thói quen


Ông Nguyễn Bá Thuận - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường cho biết, từ khi con đường vòng núi Chụt lưu thông vào tháng 5-2012, UBND phường bắt đầu cắt cử lực lượng để lập lại trật tự vỉa hè, tránh tình trạng người dân kinh doanh ăn uống ngay dưới lòng đường gây ách tắc giao thông nhưng tình hình không mấy cải thiện. Điệp khúc “trở về nguyên trạng” vẫn là bức tranh chung của trật tự vỉa hè, lòng lề đường Võ Thị Sáu khi lực lượng chức năng rút.


UBND TP. Nha Trang cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo phường Vĩnh Trường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ cảng cá trên đường Võ Thị Sáu. UBND thành phố còn hỗ trợ phường về kinh phí thực hiện và lực lượng Quản lý đô thị. Phường Vĩnh Trường đã tăng cường công tác tuần tra và lập 2 chốt trực từ sáng đến tối tại điểm chợ và cửa ngõ cảng cá để điều tiết giao thông cũng như nhắc nhở người dân vi phạm trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Đối với xe tải vận chuyển cá đậu tràn lan ngoài đường, lực lượng chức năng hướng dẫn, sắp xếp đậu vào bãi đất trống của Khu tái định cư đường vòng Núi Chụt và trước sân vận động phường. Đối với người buôn bán ở chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống và làm dịch vụ cảng cá thì nhắc nhở, tạo điều kiện cho phép làm việc, hoạt động trong khoảng thời gian nhất định và diễn ra 2 bên vỉa hè, nếu tràn xuống lòng đường thì bị xử phạt nghiêm khắc. Chính vì vậy, hiện nay, lối đi thông thoáng hơn trước; tỷ lệ cải thiện đạt khoảng 60%.


Tuy nhiên, theo ông Thuận, đó mới là giải pháp nóng giải quyết nhu cầu đi lại trước mắt. Hiện chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được phương án nào khả thi để chấm dứt tình trạng này. Vì thói quen ăn uống vỉa hè của người dân địa phương đã trở thành tập quán khó thay đổi; nhu cầu mua bán của người dân lớn nhưng chợ lại quá hẹp. Cảng cá Vĩnh Trường quá tải nhưng không mở rộng được vì không còn quỹ đất nên không đáp ứng nhu cầu của ngư dân, nhất là vào các vụ cá, khiến cho người làm dịch vụ cảng cá phải tràn ra lòng đường. Di chuyển cảng cá ra khỏi khu vực thì không khả thi vì cảng cá này đang giải quyết việc làm, thu nhập cho khoảng 1.000 lao động địa phương. Vào mùa vụ, số lao động sống nhờ cảng cá tăng lên gấp 2 - 3 lần. Ngay cả phương án điều tiết số ghe thuyền khi vào vụ cá chính chuyển sang cập cảng Hòn Rớ để giảm tải cho con đường cũng không áp dụng được do gần 400 chiếc ghe tàu đánh bắt của phường đều là cỡ nhỏ, thấp, không thể cập được cảng Hòn Rớ (chỉ dành cho các loại tàu lớn). Hiện Đảng ủy phường đã đưa ra giải pháp giao Hội Nông dân vận động hội viên liên kết mua tàu công suất lớn để chuyển sang đánh bắt xa bờ, cập cảng Hòn Rớ nhằm giảm tải cho cảng Vĩnh Trường, giảm áp lực lên đường Võ Thị Sáu và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ. Tuy nhiên, giải pháp này có khả thi hay không còn phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của người dân.


MINH THIẾT