09:07, 10/07/2018

Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn: Bộn bề khó khăn trước thềm năm học mới

Ngày 10-7, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đến kiểm tra cơ sở vật chất cơ sở mới của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại khu vực Bắc Hòn Ông, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang và làm việc với các sở, ngành, liên quan. 
 

Ngày 10-7, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đến kiểm tra cơ sở vật chất cơ sở mới của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại khu vực Bắc Hòn Ông, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang và làm việc với các sở, ngành, liên quan. 
 
 
Nhiều khó khăn
 
 
Dự kiến năm học 2018 - 2019, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ chuyển về cơ sở mới. Tuy nhiên, để tổ chức tốt việc dạy và học, trường vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết. Trong khuôn viên rộng 45.000m2, các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành. Các phòng đều được trang bị hệ thống điện, đèn, quạt. Khu vệ sinh, phòng bộ môn (thí nghiệm) cũng được lắp đặt các thiết bị. Tổng Công ty Khánh Việt đã tài trợ để trang bị bàn ghế, tủ, bảng, giường... cho văn phòng, lớp học, ký túc xá.
 
 
Do mới xây dựng nên trường chưa có nhiều cây xanh. Từ sáng đến chiều, gần như toàn bộ khuôn viên trường đều nắng chói chang, nếu không có biện pháp che nắng thì sẽ khó khăn cho học sinh (HS) học thể dục - quốc phòng. Khu vực đất nền dành cho việc xây dựng ở giai đoạn 2 rất rộng cũng sẽ là khó khăn cho việc vệ sinh kể cả vào mùa mưa và mùa nắng. Bên cạnh đó, cơ sở mới chưa có hội trường, thư viện và không có phòng học nào có thể chứa quá 40 HS, gây khó khăn cho các lớp 8, 9 và 2 lớp cận chuyên với sĩ số 40 HS/lớp. Hệ thống Internet chưa có và trong dự án cũng không có việc lắp đặt đường dây Internet ngầm. Do diện tích trường rộng nên cần số lượng lớn đường truyền Internet, modem wifi mới có thể đảm bảo nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ngoài ra, khi di chuyển về cơ sở mới, số điện và nước tiêu thụ sẽ tăng cao trong khi kinh phí hoạt động của trường không đáp ứng được. Số lượng 3 bảo vệ và 2 phục vụ hiện nay cũng là quá ít, không thể hoàn thành khối lượng công việc nhiều ở khu văn phòng, khu học tập với 17 khu vệ sinh. 
 
 
Thầy Nguyễn Thọ Minh Quang - Hiệu trưởng nhà trường đặc biệt lo ngại về phương tiện đưa đón HS. Với cơ sở hiện có, số HS đến và về trong ngày khoảng 650 em. Nếu toàn bộ đi xe buýt thì cần từ 13 đến 15 xe một lúc. Với mật độ xe cộ đông đúc, chạy tốc độ cao trên quốc lộ đoạn qua khu vực trường thì việc HS đi xe đạp sẽ có rất nhiều rủi ro.

 

Một góc cơ sở mới Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Một góc cơ sở mới Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

 
 
Khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới
 
 
Theo dự kiến kế hoạch di chuyển về cơ sở mới, từ ngày 16-7 đến ngày 4-8, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ sắp xếp phòng ban, lớp học; chuyển đồ đạc từ cơ sở cũ sang cơ sở mới. Ngày 6-8, trường sẽ nhận bàn giao cơ sở mới. Từ ngày 30-7 đến 17-8, tiến hành di chuyển, lắp đặt các phòng thí nghiệm bộ môn, phòng Lab, phòng máy tính, các máy điều hòa ở phòng hội đồng... Tổng kinh phí thuê xe di chuyển, nhân công tháo dỡ và lắp đặt dự trù trên 200 triệu đồng.
 
 
Bên cạnh đó, trong năm học 2018 - 2019, trường dự kiến tổ chức học 2 buổi/ngày để tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho HS và giảm thời gian đi lại trong ngày cho các em; đồng thời bố trí được thời gian ra về 2 suất để giảm số lượng xe cần chuyên chở. Tuy nhiên, do nguồn vốn mua sắm trang thiết bị mới có nên việc đấu thầu, thực hiện gói thầu sẽ mất nhiều thời gian (theo Ban quản lý dự án, thời gian thực hiện từ cuối tháng 9 đến tháng 10). Để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới, nhà trường phải chuyển toàn bộ các trang thiết bị từ cơ sở cũ vào cơ sở mới nên chỉ đủ bàn ghế cho 18 phòng học và giường ngủ cho 130 HS. Do cần đến 25 phòng học và 8 phòng học bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi của tỉnh nên tháng 9 và 10 trường không bố trí đựợc việc dạy 2 buổi/ngày. 

 

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại địa điểm mới.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại địa điểm mới.

 

Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Về lâu dài, phải khẳng định việc di chuyển trường về cơ sở mới khang trang, hiện đại hơn, với nhiều không gian, điều kiện để phát triển là chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, là sự ưu ái, quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với nơi ươm mầm nhân tài của tỉnh và đất nước. Việc một doanh nghiệp nhà nước của tỉnh là Tổng Công ty Khánh Việt dành phúc lợi của mình để tài trợ cho việc xây trường là một điều rất tốt đẹp cho trường và ngành Giáo dục. Do đó, ngành Giáo dục và nhà trường cần thông suốt tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thời gian đầu, trường có thể có những chỗ chưa hợp lý, sau khi nhận bàn giao thì tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện và triển khai giai đoạn 2.
 

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ phải hợp đồng với tư nhân tổ chức ăn bán trú cho các HS ở lại buổi trưa. Với quy mô phòng ăn của trường, phải bố trí 2 suất ăn mới đủ phục vụ nhu cầu HS nên việc học tập trong buổi cũng phải bố trí 2 khoảng thời gian lệch nhau 1 tiết. Việc sắp xếp phòng nghỉ cho HS vào buổi trưa cũng còn khó khăn, dự kiến sẽ tận dụng các phòng sinh hoạt ở ký túc xá và HS đăng ký ở bán trú theo nhóm trong các phòng còn lại của ký túc xá. Do khu vực của trường quá rộng nên việc đảm bảo an ninh, chống trộm cắp từ ngoài cũng là vấn đề khó khăn và phức tạp. 

 

 
Trước tình hình đó, nhà trường đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm thực hiện gói trang thiết bị cho các phòng học nhằm sớm thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày. Đồng thời, trang bị thêm hoặc hỗ trợ tài chính cho nhà trường lắp đặt hệ thống Internet, wifi và hệ thống camera phục vụ cho việc dạy, học và bảo đảm an ninh. Trường cũng kiến nghị được phép hợp đồng thêm nhân viên; cấp bổ sung kinh phí hoạt động trong 4 tháng cuối năm 2018; xây dựng phương án lập 4 địa điểm tập trung đưa đón HS bằng xe buýt trong năm học 2018 - 2019, bắt đầu từ tuần 3 của tháng 8. Đồng thời đề nghị tỉnh sớm cho thực hiện giai đoạn 2 của dự án để có đủ điều kiện cơ sở vật chất dạy và học. Trong đó, khu vực hội trường cần được xây dựng với sức chứa 500 người thay vì 350 người như hiện nay để tổ chức các hoạt động thuận tiện…
 
 
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Đắc Tài đề nghị, nhà trường cần tính toán ngay các điều kiện để xem có thể đi vào hoạt động từ đầu năm học 2018 - 2019 hay không. Bên cạnh đó, cần lên kế hoạch cụ thể việc bàn giao cơ sở mới chặt chẽ, đúng pháp luật. Ông cũng ghi nhận các kiến nghị của trường và yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát lại để tham mưu tỉnh có phương án giải quyết hợp lý. Riêng đối với việc đưa đón HS, ông giao Sở Giao thông vận tải làm việc với công ty xe buýt hiện đang phục vụ nhu cầu đi lại chung nghiên cứu thời gian đưa đón HS phù hợp; nhà trường tuyên truyền, khuyến khích HS đi lại bằng xe buýt và các phương tiện khác tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh sao cho đảm bảo an toàn… 
 
 
H.NGÂN
 
 
 

 

Năm học 2018 - 2019, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có tổng cộng 25 lớp với 794 HS. Trong đó có 1 lớp; 1 lớp 9; 7 lớp 10 chuyên; 7 lớp 11chuyên; 7 lớp 12 chuyên; 2 lớp 12 cận chuyên.
 
Cơ sở mới của trường bao gồm các khối: khối nhà hành chính 4 tầng; khối phòng học bộ môn 4 tầng; 3 khối nhà lớp học 3 tầng với tổng cộng 36 phòng học; 2 khối ký túc xá 4 tầng với sức chứa 396 HS (giai đoạn 2 sẽ xây thêm 1 khối ký túc xá 4 tầng); khối nhà công vụ 2 tầng, mỗi tầng có 4 phòng ở; khối nhà ăn HS 1 tầng. Riêng khối hội trường - thư viện, nhà tập luyện thể thao, sân bóng sẽ triển khai trong giai đoạn 2.