08:07, 12/07/2018

Điểm thi và học bạ chênh lệch

Điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung đều thấp hơn năm ngoái không phải là điều bất ngờ, bởi đề thi năm nay được đánh giá là khó, độ phân hóa cao hơn hẳn năm trước.

Điểm thi THPT quốc gia năm 2018 của Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung đều thấp hơn năm ngoái không phải là điều bất ngờ, bởi đề thi năm nay được đánh giá là khó, độ phân hóa cao hơn hẳn năm trước. Tuy nhiên, sự chênh lệch kết quả thi và kết quả học tập lớp 12 của học sinh (HS) vẫn khiến nhiều người băn khoăn, lo ngại về thực trạng dạy và học thực chất trong nhà trường.


Thấy gì qua kỳ thi?


Từ năm 2015, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một dưới hình thức thi THPT quốc gia, việc xét tốt nghiệp được dựa trên 50% điểm trung bình lớp 12; 50% trung bình điểm các môn thi THPT quốc gia và điểm ưu tiên, khuyến khích nếu có. Như vậy có thể thấy vai trò quan trọng của điểm học tập lớp 12 đối với kết quả tốt nghiệp của HS. Song có một thực tế là những năm gần đây, kết quả thi THPT quốc gia và điểm học tập lớp 12 của HS có sự chênh lệch không nhỏ. Nếu không có điểm trung bình lớp 12 gỡ gạc, rất nhiều HS không đủ điều kiện tốt nghiệp, và tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh sẽ không cao như con số trên dưới 90% hàng năm.

 

Thí sinh Khánh Hòa tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Thí sinh Khánh Hòa tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.


Nhìn vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 trên địa bàn tỉnh vừa được Sở GD-ĐT công bố, có thể thấy phổ điểm nhiều môn rất thấp. Số bài thi có điểm trung bình trở lên đối với môn Toán, Vật lý chỉ khoảng 1/2; Hóa học, Sinh học chỉ 1/3. Đặc biệt, môn Lịch sử chỉ có hơn 12% bài thi có điểm trên trung bình, môn Tiếng Anh cũng chỉ gần 26%, một con số không mấy khả quan. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do đề năm nay khó, phân hóa rõ rệt. Điều này liệu có đúng khi năm 2017, đề thi được đánh giá là dễ với những cơn mưa điểm 9, điểm 10 thì phổ điểm thi THPT quốc gia vẫn có sự chênh lệch đáng kể so với điểm học bạ. Và điểm học tập lớp 12 nhiều năm qua đã trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều HS khỏi bị rớt tốt nghiệp. Trong số đó, không ít trường hợp điểm học cao chót vót nhưng điểm thi lẹt đẹt dưới trung bình, thậm chí bị điểm liệt. Nhiều em lớp 10, 11 có kết quả học tập bình thường, đến lớp 12 bỗng bứt phá lên hẳn (?).


Lại bệnh thành tích và điểm số ảo


Có lẽ không khó hiểu vì sao điểm học tập lớp 12 lại cao. Trong suốt quá trình học tập, HS được làm nhiều bài kiểm tra, thậm chí thầy cô tạo điều kiện cho kiểm tra lại nhiều lần nên có cơ hội gỡ điểm. Việc kiểm tra cũng không bị siết chặt; các trường, các thầy cô cũng vì thương học trò, không nỡ để các em sau 12 năm đèn sách phải chịu cảnh trượt tốt nghiệp nên đã nới tay. Ngoài ra, vài năm gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng xét tuyển dựa trên điểm học bạ với những tiêu chí rất đơn giản, tạo cơ hội cho thí sinh vào đại học dễ dàng hơn cũng góp phần nảy sinh sự thiếu đồng bộ trong đánh giá, cho điểm và làm tăng căn bệnh thành tích, điểm số ảo ở không ít thầy cô giáo, nhà trường. Tuy chưa có thống kê nào cụ thể nhưng thực tế đã cho thấy không ít sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng phải bỏ dở giữa chừng vì học không nổi. Cũng bởi lo ngại vào kết quả đánh giá ở các trường phổ thông nên hiện nay hầu hết các trường đại học top đầu đều chưa sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên học bạ.

 Bảng so sánh kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 và điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh Khánh Hòa:

 


Với tỷ lệ tốt nghiệp cao như hiện nay, nhiều người đặt câu hỏi liệu có cần phải tổ chức một kỳ thi chỉ để loại vài phần trăm HS không đậu tốt nghiệp? Một số ý kiến đề xuất nên chăng áp dụng xét tốt nghiệp phổ thông cho tất cả HS lớp 12 có điểm trung bình cả năm từ 5,0 trở lên và hạnh kiểm cả năm đạt trung bình. Và chỉ cần tổ chức một kỳ thi đại học để giảm áp lực, chi phí cũng như hạn chế được điểm ảo trong nhà trường?


Không thể phủ nhận những mặt tích cực trong đổi mới cách thi THPT quốc gia theo hình thức “2 trong 1” những năm qua. Song điều quan trọng hơn là đổi mới cách học, cách đánh giá HS, để kiến thức, kỹ năng của HS không là ảo, để những môn Lịch sử, Tiếng Anh… không còn là nỗi ám ảnh và học đối phó đối với nhiều học trò. Những con số chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ cũng cho thấy, qua một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, siết chặt kỷ luật phòng thi, với một đề thi đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng và phân hóa hợp lý, thì sẽ có đánh giá chính xác về chất lượng dạy và học trong nhà trường, về tính thực chất của những điểm số đẹp trong học bạ. Điều đó hẳn đúng không chỉ riêng ở cấp học nào.


ANH THÁI

 


 

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,9%


Ngày 12-7, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 của tỉnh (trước phúc khảo) là 97,9% (12.678 thí sinh - TS tốt nghiệp trên tổng số 12.946 TS dự thi). Trong đó, hệ THPT là 98,3%, hệ giáo dục thường xuyên 94,1%. Nếu tính cả TS tự do, TS hệ phổ cập thì tỷ lệ tốt nghiệp là 97,3% (12.765 TS tốt nghiệp trên tổng số 13.124 TS dự thi).


Trong đó, có 11 đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% là: 7 trường THPT gồm: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, chuyên Lê Quý Đôn, Phan Bội Châu, Ngô Gia Tự, Đại Việt; 4 đơn vị hệ giáo dục thường xuyên gồm: THPT Ngô Gia Tự, Trung cấp Nghề Cam Ranh, Trung cấp Nghề Ninh Hòa, Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn.


Thủ khoa tốt nghiệp là TS Đoàn Châu Thành Vinh - học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đạt 33,4 điểm (Toán: 8, Ngữ văn: 8, Ngoại ngữ: 8,40, Khoa học tự nhiên: 9). Số lượng TS đạt điểm cao các tổ hợp xét tuyển cao đẳng, đại học (tổng điểm 3 môn) như sau: từ 26 điểm trở lên có 6 TS; từ 25 điểm trở lên có 40 TS; từ 24 điểm trở lên có 151 TS.