11:03, 18/03/2018

Quy định mới khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi: Vẽ rắn thêm chân?

Thông tư 52 của Bộ Y tế mới đây quy định, khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi, bác sĩ phải ghi số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của bố mẹ, người giám hộ của trẻ. Điều này bị đánh giá là phiền hà, rắc rối... chẳng khác gì vẽ rắn thêm chân.

Thông tư 52 của Bộ Y tế mới đây quy định, khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi, bác sĩ phải ghi số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân của bố mẹ, người giám hộ của trẻ. Điều này bị đánh giá là phiền hà, rắc rối... chẳng khác gì vẽ rắn thêm chân.


Thông tư 52 có hiệu lực từ ngày 1-3. Tuy nhiên, tại phòng khám nhi ở một số bệnh viện trong tỉnh hầu như ít cha, mẹ nào khi dẫn con đi khám có mang theo giấy CMND. Nhiều người không biết về quy định này hoặc có người biết về thông tư nhưng hiểu sai rằng chỉ khi khám bảo hiểm y tế (BHYT) mới cần CMND... Vì vậy, hầu hết các bệnh viện đều chỉ đạo bác sĩ vẫn kê đơn thuốc cho bệnh nhân và dặn dò các bậc phụ huynh lần sau đi khám nhớ mang theo CMND.

 

Khám bệnh cho bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khám bệnh cho bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Bà Nguyễn Thị Nguyên (58 tuổi, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) dẫn cháu đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Nhà có 2 bà cháu, thấy cháu nóng sốt tôi dẫn cháu qua bệnh viện để khám, không mang theo giấy tờ gì. Tới đây, tôi mới biết có quy định này. Cũng may, bác sĩ thông cảm vẫn kê đơn thuốc cho cháu. Theo tôi, quy định này quá phiền hà”.


Thực tế hiện nay, trẻ dưới 6 tuổi đều có thẻ BHYT miễn phí. Thẻ BHYT được sử dụng 1 mã số định danh, trong đó cập nhật đầy đủ thông tin về trẻ và gia đình nên yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ khi đưa trẻ đi khám bệnh phải cung cấp CMND để kê đơn thuốc là không cần thiết.


Trao đổi về quy định trên, nhiều bác sĩ cho rằng đây là quy định gây phiền phức, không hợp lý. Bởi lẽ, việc kê đơn thuốc phụ thuộc vào bác sĩ, chứ không phải cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ nên yêu cầu ghi CMND của họ là không cần thiết. Ngoài ra, nếu Bộ Y tế đã quy định mà bác sĩ không ghi thì dẫn tới vi phạm. Tuy nhiên, nếu cha mẹ đưa trẻ đi khám bệnh mà không mang hoặc không nhớ số CMND thì không lẽ bác sĩ lại không kê đơn thuốc, nhất là trong tình trạng khẩn cấp!


Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh cho biết, lâu nay, bệnh viện áp dụng toa thuốc trẻ em đã có địa chỉ, số điện thoại bố mẹ để cần thông tin gì thì gọi điện thoại truy lại, bây giờ thêm số CMND là không cần thiết. Thông tin trên toa thuốc thì tên, tuổi, cân nặng, chẩn đoán và thuốc điều trị là quan trọng nhất, sau đó là địa chỉ và điện thoại liên lạc, chứ số CMND có hay không cũng chẳng quan trọng. Bác sĩ áp đúng quy định không kê đơn sẽ khiến người nhà bệnh nhi phải trình đủ thủ tục, quá phiền hà, tốn thời gian của bác sĩ lẫn bệnh nhân.


Bác sĩ Phan Hữu Chính - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng, qua thực tế, hầu hết cha mẹ hoặc người giám hộ đưa trẻ đi khám đều không mang theo CMND, nhất là trong những trường hợp cấp cứu. Bệnh viện vẫn chỉ đạo các bác sĩ tiến hành cấp cứu, điều trị, kê đơn thuốc cho bệnh nhân và hướng dẫn họ lần sau đi khám nhớ mang theo CMND.


THẢO LY

 




Theo Thạc sĩ Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Thông tư 52 được ký ngày 29-12-2017, quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, tại Điều 6 về yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc có quy định: đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.


Theo quy định này, ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi (dưới 6 tuổi) phải đem theo CMND để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc với đầy đủ thông tin thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.


Đây là nội dung mới so với những quy định trước đây. Vì đơn thuốc phải bảo đảm ba ý nghĩa: một là, bảo đảm tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; hai là bảo đảm tính kinh tế: người bệnh tính được chi phí khám, chữa bệnh; ba là bảo đảm tính pháp lý giữa mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.


Việc ghi thêm số CMND với đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể sẽ xuất hiện một vài trường hợp phát sinh, song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đi khám nên việc ghi số CMND không có gì là quá khó khăn.