07:03, 15/03/2018

Cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm

Hội thi giáo viên dạy giỏi Trung học phổ thông cấp tỉnh năm học 2017 - 2018 vừa qua là đợt sinh hoạt về chuyên môn bổ ích, giúp các giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực giảng dạy.

Hội thi giáo viên (GV) dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2017 - 2018 vừa qua là đợt sinh hoạt về chuyên môn bổ ích, giúp các GV học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực giảng dạy.


Học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp


Tiêu điểm của hội thi là phần thi thực hành 2 tiết dạy, bao gồm 1 tiết tự chọn và 1 tiết bốc thăm. Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các GV đã có sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư cho bài dạy. Đa số GV tự tin và chủ động trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học, có tác phong sư phạm chuẩn mực, ngôn ngữ và phong thái truyền cảm, tạo ấn tượng tốt cho học sinh (HS) và ban giám khảo. Nhiều tiết dạy đã bám sát trọng tâm, đồng thời liên hệ phù hợp với thực tế, sáng tạo trong vận dụng kiến thức chuyên môn, góp phần làm cho nội dung bài dạy thêm sinh động, sâu sắc. GV cũng chú ý tích hợp liên môn, liên chủ đề và các nội dung giáo dục kỹ năng sống. Đồng thời, khai thác sách giáo khoa, chọn lọc các kỹ thuật, phương pháp giảng dạy sáng tạo, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hợp lý để góp phần hỗ trợ cho việc truyền đạt nội dung bài học.

 

Cô Trần Thị Thu Nga trong một tiết dạy.

Cô Trần Thị Thu Nga trong một tiết dạy.


Cũng tại hội thi, các GV đã đưa đến những sáng kiến kinh nghiệm bám sát thực tiễn giảng dạy, tập trung vào những vấn đề liên quan đến công tác chủ nhiệm, giáo dục HS; việc đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực HS. Từ đó, đề ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể để có thể triển khai và áp dụng đại trà cho các tổ chuyên môn ở các nhà trường. Đối với bài thi năng lực, phần lớn GV đã thể hiện được những hiểu biết vững vàng đối với các quy định của ngành, trong đó có điều lệ trường THPT, chuẩn nghề nghiệp và các tiêu chuẩn đánh giá xếp loại HS THPT. Nhiều tình huống sư phạm đặt ra cũng được xử lý linh hoạt và sáng tạo.  


Cô Trần Thị Thu Nga - GV Toán Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Nha Trang chia sẻ: “Qua hội thi, tôi học được phương pháp đứng lớp, kỹ năng ứng phó linh hoạt tùy theo từng đối tượng HS khác nhau. Chẳng hạn, thông thường trong một tiết dạy, GV sẽ chủ động phân chia nhóm HS tùy theo năng lực để đưa ra nội dung, phương pháp dạy phù hợp. Tuy nhiên, có những HS giỏi đặt câu hỏi lật ngược lại vấn đề, đòi hỏi người GV phải xử lý nhạy bén. Tôi cũng có thêm kinh nghiệm làm đồ dùng dạy học bằng những dụng cụ trực quan, không cần cầu kỳ mà vẫn thiết thực và hiệu quả. Ngoài ra, cách thiết kế bài học logic, kỹ năng làm trắc nghiệm phong phú cùng phong thái chuẩn mực của người GV khi lên lớp… cũng là những kinh nghiệm quý báu mà tôi học hỏi được từ các GV khác…”.


Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

 

Hội thi diễn ra từ ngày 2 đến 13-3, với sự tham gia của 244 GV thuộc 28 trường THPT và 4 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 182 GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi THPT cấp tỉnh, trong đó 3 GV của các trường THPT: Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa); chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang); Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh) đạt xuất sắc. Có 9 đơn vị có tỷ lệ GV giỏi đạt 100% là các trường THPT: chuyên Lê Quý Đôn, Ngô Gia Tự, Trần Quý Cáp, Khánh Sơn, Nguyễn Huệ, Hermann Gmeiner Nha Trang; các trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp Diên Khánh và Nha Trang; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp tỉnh.

Hội thi cũng là dịp để ban tổ chức phát hiện những vấn đề còn hạn chế trong công tác dạy và học hiện nay. Theo đó, một số GV vẫn còn lúng túng, chưa tự tin khi lên lớp, ngôn ngữ giảng dạy chưa thật trong sáng, truyền cảm. Do áp lực tâm lý nên một số GV tập trung hướng đến đối tượng giám khảo hơn là HS. Kiến thức một số tiết dạy còn mang tính áp đặt, sắp xếp nội dung bài dạy chưa hợp lý, xác định trọng tâm bài dạy chưa đúng nên việc phân bổ thời gian chưa phù hợp giữa các phần. Vẫn còn một số tiết dạy nghiêng về trình diễn; kiến thức còn ôm đồm, lan man hoặc mang tính hàn lâm. Nhiều GV còn thuyết giảng, ghi bảng nhiều; hệ thống câu hỏi chưa có tính dẫn dắt, yêu cầu HS tư duy, phán đoán, đưa ra những câu hỏi vụn vặt, chưa nêu được vấn đề. Một số GV còn sử dụng thiết bị dạy học chưa hợp lý, chưa phát huy hết sự hỗ trợ hiệu quả công nghệ thông tin; phần liên hệ thực tế với nội dung bài học ít được chú trọng. Ở một vài tiết dạy, GV liên hệ vấn đề lại tích hợp quá nhiều nên làm loãng nội dung trọng tâm bài giảng, hoặc liên hệ còn máy móc, gượng ép. Một số tiết dạy khác được đánh giá là việc bình giảng chưa sâu, chưa có điểm nhấn và chưa tạo được biểu cảm một cách tự nhiên, lắng đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn những sáng kiến kinh nghiệm chưa được đầu tư đúng mức, thiếu sự tìm hiểu, khảo sát thấu đáo từ thực tế nên việc tiến hành, nghiên cứu chưa đầy đủ, sâu sắc và các giải pháp đề ra còn chung chung…


Theo ông Lê Tuấn Tứ, qua hội thi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các thầy cô tiếp tục phát huy vai trò và nhiệm vụ công tác xứng đáng với danh hiệu của mình. Đồng thời, các đơn vị cần nhân rộng điển hình và nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn; chú ý đến chất lượng dạy và học thực chất, tránh bệnh thành tích. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các đối tượng HS yếu, HS có hoàn cảnh khó khăn, chú ý đến phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HS ở từng vùng miền khác nhau, đặc biệt là HS vùng khó khăn, miền núi, hải đảo…


H.NGÂN