10:01, 29/01/2018

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

Hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đều được trang bị Internet phục vụ công tác quản lý và dạy học. Toàn huyện có 5 trường THCS và 2 trường tiểu học - THCS triển khai dạy môn Tin học.  

 

Hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đều được trang bị Internet phục vụ công tác quản lý và dạy học. Toàn huyện có 5 trường THCS và 2 trường tiểu học - THCS triển khai dạy môn Tin học.  


Hiệu quả bước đầu  


Theo ông Phan Văn Thoại - Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn đều được trang bị đầy đủ máy vi tính và sử dụng các phần mềm trong công tác quản lý. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán, quản lý cán bộ, viên chức. Trong công tác dạy và học, 100% giáo viên đã sử dụng giáo án điện tử. Từ năm 2010, ngành Giáo dục huyện bắt đầu triển khai dạy môn Tin học tại Trường THCS xã Sơn Lâm. Đến nay, tất cả các trường có học sinh (HS) THCS đã đưa vào giảng dạy môn Tin học, với số HS học môn này khoảng 900/1.826 HS cấp THCS của toàn huyện. Tổng số máy tính hiện có tại các trường để dạy môn Tin học khoảng 140 máy. Qua những tiết học Tin học, ngoài giúp HS tiếp cận công nghệ thông tin, còn hỗ trợ các em học tốt những môn học khác.

 

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Sơn.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Sơn.


Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện tổ chức dạy Tin học cho HS. Trường đã trang bị phòng máy, đèn chiếu, nối mạng Internet… tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng giáo án điện tử, kết hợp linh hoạt với các hình thức tổ chức dạy học nên giờ học trở nên sinh động và thu hút HS, việc truyền đạt kiến thức cũng nhanh hơn. Qua mạng Internet, HS có thể tìm hiểu thông tin liên quan đến nội dung bài học. Từ đó phát huy năng lực, khả năng sáng tạo, chủ động của HS trong học tập. “Nhiều HS của trường đã mạnh dạn tham gia các cuộc thi về Toán học, Vật lý, tiếng Anh trên mạng Internet. Nhà trường cũng có 1 HS trong đội tuyển của huyện tham gia cuộc thi về kiến thức an toàn giao thông cấp tỉnh trên mạng Internet. Về lâu dài, sau khi học xong cấp 2, HS được trang bị một số kỹ năng về tin học để sau này tiếp tục học lên cao hơn nữa”, ông Phạm Văn Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.


Trường Tiểu học - THCS xã Ba Cụm Nam bắt đầu đưa môn Tin học vào giảng dạy từ năm học 2016 - 2017. Ông Nguyễn Đức Thuận - Hiệu trưởng trường cho biết, với tổng số 31 máy tính, hiện tại đơn vị mới triển khai dạy môn Tin học cho HS khối lớp 6, lớp 7. Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng các tiết học.


Còn nhiều khó khăn


Hiệu quả, ý nghĩa của môn Tin học trong các nhà trường đã rõ. Tuy nhiên, tại Khánh Sơn, đây vẫn là môn học tự chọn của các trường. Do đó, việc triển khai giảng dạy môn học này ở hầu hết các trường còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Tấn Lâm - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, khó khăn lớn nhất đối với các trường trong quá trình dạy môn Tin học là giáo viên, cơ sở vật chất và kinh phí bảo trì, sửa chữa máy móc. Hiện nay, các trường trên địa bàn huyện đều chưa có giáo viên chuyên về Tin học nên phải bố trí giáo viên Toán - Tin hoặc Lý - Tin dạy kiêm nhiệm. Cũng vì thiếu giáo viên nên đến nay chưa triển khai dạy môn học này ở bậc tiểu học. Về cơ sở vật chất, hầu hết các trường đang dạy môn Tin học chưa có phòng học riêng cho môn học này. Phần lớn hệ thống máy tính của các lớp học đều phải huy động từ nguồn xã hội hóa. Hàng năm, ngành Giáo dục huyện không có nguồn kinh phí để phân bổ cho các trường bảo trì, sửa chữa những máy bị hư hỏng, các trường tự phải xoay xở kinh phí. “Do được trang bị từ khá lâu nên nhiều máy tính của các trường đã bị hư hỏng, hết thời hạn khấu hao sử dụng. Hiện tại chỉ còn khoảng 50% số máy tính của các trường còn sử dụng được”, ông Phan Văn Thoại - Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cho biết.


“Năm 2017, Trường THCS thị trấn Tô Hạp được trang bị 20 máy tính từ nguồn xã hội hóa, bắt đầu dạy môn Tin học từ năm học 2017 - 2018 đối với 126 HS của khối lớp 6. Nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề bảo trì, sửa chữa máy móc. Mặt khác, một số HS do điều kiện gia đình không có máy tính để luyện tập ở nhà, nên khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế”, ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường nói.


Để giảm bớt khó khăn, nâng cao hơn nữa hiệu quả giảng dạy môn Tin học, ngành Giáo dục huyện Khánh Sơn kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, giao chỉ tiêu bên chế giáo viên Tin học; phân bổ nguồn kinh phí để các trường xây dựng phòng máy, cũng như bảo trì, sửa chữa máy móc bị hư hỏng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ các trường tăng số lượng máy tính, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và HS.


Đinh Luận