04:01, 26/01/2018

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018: Đề sẽ khó hơn

Căn cứ đề tham khảo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cũng như các định hướng về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ khó hơn so với năm trước.

 

Căn cứ đề tham khảo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố cũng như các định hướng về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ khó hơn so với năm trước.


Tăng độ khó


Ngày 24-1, Bộ GD-ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bao gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (gồm 3 môn thi thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, ngoại trừ môn Ngữ văn ra theo hình thức tự luận (thời gian làm bài 120 phút), tất cả các môn ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đề Toán có 50 câu, thời gian làm bài trong 90 phút; Ngoại ngữ 50 câu, thời gian làm bài 60 phút; mỗi môn thành phần trong bài thi tổ hợp có 40 câu với thời gian làm bài 50 phút.

 

hí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.


Một số giáo viên Ngữ văn cho biết, đề tham khảo môn Ngữ văn năm nay hay và khó hơn so với đề thi thật năm trước. Câu đọc - hiểu ra theo dạng mở, yêu cầu học sinh (HS) đưa ra những quan điểm xung quanh sự trưởng thành của con người, từ đó trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống. Phần nghị luận văn học yêu cầu HS viết cảm nhận về hình ảnh người lái vượt thác trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” (lớp 12), từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” (lớp 11) để nhận xét quan niệm của nhà văn Nguyễn Tuân về vẻ đẹp con người. Với cách ra đề này, những HS giỏi Văn sẽ có cơ hội “ăn điểm”, còn với những HS trung bình sẽ là thách thức không nhỏ.


Đối với môn Tiếng Anh, đề tham khảo được ra theo cấu trúc tương tự năm trước nhưng độ khó tăng lên, nhất là ở phần từ vựng và đọc hiểu. Đề Toán cũng được đánh giá là khó hơn hẳn năm trước, trong đó khoảng 20% đề thi thuộc kiến thức lớp 11. Em Nguyễn Thị Ngọc Thư - Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Nha Trang) cho rằng, việc đạt điểm 6, 7 môn Toán không phải là vấn đề lớn vì khoảng 30 câu đầu thuộc phần kiến thức cơ bản, nhưng để đạt điểm cao đòi hỏi HS phải hiểu bản chất vấn đề và vận dụng kiến thức tốt. Tương tự, đề các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học cũng có độ phân hóa cao hơn. Đề được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó; lượng câu hỏi lý thuyết khoảng 60%, bài tập 40% là khá hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng nếu đề thi thật cũng ra với mức độ tương đương thì số điểm 9, 10 sẽ không nhiều như năm ngoái. Đề các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân cũng được ra theo hướng yêu cầu HS hiểu bản chất vấn đề và suy luận logic thay vì ghi nhớ máy móc số liệu hay học tủ, học lệch…


Thêm định hướng ôn tập


Theo thầy Trần Đắc Trường - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa),  năm 2017 là năm đầu tiên tổ chức thi bài thi tổ hợp và trắc nghiệm tất cả các môn (trừ Ngữ văn) nên đề thi khá nhẹ nhàng, tỷ lệ phân hóa chưa nhiều nên có khá đông thí sinh đạt điểm 9, 10. So với đề thi chính thức năm ngoái thì đề thi tham khảo vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra có độ bao phủ rộng hơn và khó hơn. Điều này phù hợp với định hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ GD-ĐT nêu ra trước đó. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ bao gồm nội dung chương trình của cả lớp 11 và lớp 12. Tại công văn gửi các sở GD-ĐT, các trường đại học, học viện về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bộ cũng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi, từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình GD phổ thông mới. Vì vậy, đề thi THPT quốc gia năm nay được dự báo sẽ tăng độ khó để phân loại HS tốt hơn, phù hợp hơn với yêu cầu xét tuyển đại học.

 

Thầy Trần Duy Nhụ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) cho biết, đề tham khảo được Bộ GD-ĐT công bố góp phần bổ sung vào nguồn tài liệu ôn tập, giúp HS, giáo viên hình dung rõ hơn về cấu trúc đề thi, tỷ lệ kiến thức của các khối lớp để định hướng ôn tập phù hợp. Ngoài đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT, thời gian qua, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng các bộ đề tự luận cho môn Ngữ văn và bộ đề trắc nghiệm cho các môn thi còn lại để HS tập dượt, làm quen. Trong đó, trọng tâm là kiến thức lớp 12, đồng thời xen kẽ cả kiến thức lớp 11. Theo thầy Nhụ, dù với phương thức thi nào thì cũng đều dựa trên cơ sở nền tảng kiến thức từ sách giáo khoa. Điều quan trọng là củng cố kiến thức cơ bản cho HS và rèn cho các em kỹ năng làm bài để thích ứng với mọi đề thi.


Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, sở đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch chương trình giảng dạy; tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động của tổ chuyên môn để rà soát, tinh giảm nội dung dạy học phù hợp, khuyến khích giáo viên thiết kế lại các tiết học trong sách giáo khoa thành các bài học theo chủ đề. Sở cũng đề nghị các trường thực hiện giảng dạy kết hợp với ôn tập trong suốt năm học; tùy từng giai đoạn cụ thể, các trường điều chỉnh kế hoạch và đề cương ôn tập cho phù hợp.


H.NGÂN