11:12, 07/12/2017

Sửa chữa trường học sau bão: Những hạng mục lớn phải chờ kinh phí

Hơn 1 tháng sau cơn bão số 12, hàng trăm ngôi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị tàn phá đang từng bước lấy lại diện mạo ban đầu. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn phải chờ nguồn vốn hỗ trợ mới có thể khôi phục những hạng mục bị hư hỏng nặng.

 

Hơn 1 tháng sau cơn bão số 12, hàng trăm ngôi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị tàn phá đang từng bước lấy lại diện mạo ban đầu. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn phải chờ nguồn vốn hỗ trợ mới có thể khôi phục những hạng mục bị hư hỏng nặng.


Tại điểm trường Sơn Lộc của Trường Mầm non Ninh An (thị xã Ninh Hòa), các công đoạn khôi phục, sửa chữa hệ thống mái, la phông, tường và các phòng học đã gần như hoàn tất. Cô Huỳnh Thị Ngọc Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 8 trong số 9 điểm trường đã sớm hoàn thành việc lợp mái, sửa chữa để tổ chức dạy học sau bão 1 tuần, riêng điểm Sơn Lộc bị thiệt hại nặng nên gần 1 tháng qua hơn 100 cháu vẫn phải học nhờ Trường THCS Phạm Ngũ Lão. Nhờ một doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí sửa chữa nên điểm Sơn Lộc đang từng bước được khôi phục, dự kiến ngày 11-12 có thể sẵn sàng đón trẻ vào học trở lại.

 

Trường THPT Tô Văn Ơn (huyện Vạn Ninh) là một trong số những trường THPT bị thiệt hại nặng nhất. Thầy Nguyễn Quang Vinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước mắt chỉ khắc phục ban đầu như: thuê thợ lợp lại các phòng học và phòng làm việc, tháo dỡ la phông để kịp tiến độ dạy và học; còn hệ thống la phông, điện, đèn, quạt… của 13 phòng học, 6 phòng dãy nhà hành chính, cùng nhiều thiết bị và 40 máy tính hư hỏng của 4 phòng dãy nhà thực hành… thì chưa khôi phục được. Khu vực tường rào bị sập tạm thời được dựng lưới để đảm bảo an ninh trật tự. Hiện nay, học sinh (HS) vẫn đang phải học trong điều kiện thiếu điện, quạt, thiếu ánh sáng, thiết bị học và thực hành không đầy đủ. Sau 1 tháng dạy bù, tăng tiết, nhà trường đã theo kịp chương trình bị gián đoạn do bão. Đối với những hạng mục, thiết bị hư hỏng nặng thì cần có nguồn kinh phí lớn mới có thể khôi phục được.


Trường Tiểu học Suối Tiên (huyện Diên Khánh) đến nay cũng mới chỉ khôi phục hệ thống mái bị tốc, một vài phòng học tạm thời được nối điện và tận dụng một số quạt trần còn nguyên vẹn để đảm bảo ánh sáng và quạt cho HS. Những chiếc bàn học ít hư hỏng được tận dụng lắp tạm thời để đủ số bàn học. Mới đây, một ngân hàng đã hỗ trợ 4.000 cuốn vở cho hơn 400 HS của trường, trong đó có 33 HS người dân tộc thiểu số tại điểm trường thôn Lỗ Gia. Cô Nguyễn Thị Phương Tâm - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hệ thống la phông, điện, khu mái che để chào cờ và phần tường rào sập chưa có kinh phí để làm lại. Khu vực nhà để xe của HS chưa được khắc phục hoàn toàn. Hiện nay, nhà trường vẫn đang trong thời gian dạy bù, dự kiến đến hết học kỳ 1 mới đuổi kịp tiến độ.

 

Hệ thống la phông ở hầu hết các trường đã được tháo gỡ trong khi chờ khôi phục

Hệ thống la phông ở hầu hết các trường đã được tháo gỡ trong khi chờ khôi phục

 

Hai điểm trường tại thôn Y Bảo và thôn Cà Thêu của Trường Mầm non Hoa Phượng 1 (huyện Khánh Vĩnh) cũng đã được lợp lại mái để đảm bảo chỗ học cho 100 cháu. Cô Nguyễn Thị Nho - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay, nguồn điện, nước đã đảm bảo hơn để phục vụ học tập, sinh hoạt cho các cháu. Tuy nhiên, đồ dùng, đồ chơi chưa đầy đủ, vẫn phải tận dụng tối đa trong khi chờ cấp mới.


Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, trước mắt, các trường tạm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên khắc phục tạm thời để đảm bảo công tác dạy và học sớm nhất. Đến nay, trường lớp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu đi vào ổn định; hầu hết các trường đã có thể tổ chức dạy học lại 2 buổi/ngày và cho trẻ ăn bán trú. Tuy nhiên, đối với những công trình, hạng mục thiệt hại lớn, trong đó có nhiều nơi thiệt hại từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng thì còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục và kinh phí. Sở đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát, đánh giá các cơ sở, công trình có mức độ hư hỏng cần sửa; tiến hành thuê đơn vị tư vấn có chức năng lập dự toán thiết kế để thực hiện sửa chữa các cơ sở theo đúng quy định khi được bổ sung nguồn kinh phí khắc phục. Nhằm sớm khắc phục các cơ sở, công trình của ngành GD-ĐT do cơn bão số 12 gây ra, ngành rất mong được sớm hỗ trợ kinh phí để thực hiện.


H.NGÂN


 



Ngày 5-12, Sở GD-ĐT có báo cáo trình UBND tỉnh về nhu cầu vốn khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 với dự kiến kinh phí hơn 124 tỷ đồng. Trong đó, khối đơn vị trực thuộc sở 11,45 tỷ đồng, các cơ sở trực thuộc phòng GD-ĐT hơn 112,6 tỷ đồng. Cụ thể, Ninh Hòa 35,4 tỷ đồng, Vạn Ninh 24,7 tỷ đồng, Diên Khánh gần 21,9 tỷ đồng, Khánh Vĩnh 13 tỷ đồng, Nha Trang 13 tỷ đồng, Cam Lâm gần 3,7 tỷ đồng, Cam Ranh 900 triệu đồng, Khánh Sơn 100 triệu đồng.

 

_________________________________________________


Thầy Lê Thanh Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh): Việc khôi phục lại cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy và học có thể mất vài tháng, nhưng để khôi phục lại hệ thống cây xanh trong khuôn viên trường thì lâu hơn rất nhiều. Đây là điều chúng tôi rất tiếc nuối, bởi hệ thống cây xanh qua nhiều năm vun trồng, chăm sóc không chỉ tạo không gian, bóng mát cho HS hoạt động, vui chơi mà còn làm nên cảnh quan sư phạm đẹp và thân thiện cho nhà trường…