10:12, 28/12/2017

Chính phủ điều chỉnh đề án ngoại ngữ 2020

Bản đề án mở rộng độ tuổi làm quen với tiếng Anh đến trẻ mẫu giáo. Học sinh lớp 1-2 được tự chọn học môn này. 

Bản đề án mở rộng độ tuổi làm quen với tiếng Anh đến trẻ mẫu giáo. Học sinh lớp 1-2 được tự chọn học môn này. 
 
Thủ tướng vừa ban hành quyết định số 2080 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Đề án này được sửa đổi từ Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.
 
Điểm mới của đề án là mở rộng đối tượng được tiếp cận, học tập ngoại ngữ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc ban hành chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non. Chương trình môn ngoại ngữ tự chọn lớp 1-2 cũng được hoàn thành trong năm này.

 

Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án thay thế đề án ngoại ngữ 2020. Ảnh minh họa: Ngọc Thành.
Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án thay thế đề án ngoại ngữ 2020. Ảnh minh họa: Ngọc Thành.
 
Ở đề án cũ, mục tiêu trọng tâm tới năm 2018-2019 là 100% học sinh lớp 3 được học bắt buộc ngoại ngữ ở chương trình giáo dục 10 năm. Tuy nhiên sau 8 năm, đến 2016 số học sinh lớp 3-5 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần mới chiếm 20%, trong khi số tiền đã chi hơn 9.000 tỷ đồng (trong tổng kinh phí đề án 9.400 tỷ đồng). Đây là điểm khiến đề án ngoại ngữ 2020 hứng "búa rìu" dư luận. 
 
Rút kinh nghiệm, đề án mới nới thời gian "phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm (bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12)" đến năm 2025. Đây cũng là mốc thời gian đặt ra cho các mục tiêu dạy và học ngoại ngữ ở khối giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, bậc đại học. 
 
Quyết định cũng nêu rõ 8 nhóm giải pháp, từ ban hành chương trình tài liệu, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận quốc tế, phát triển đội ngũ giáo viên... đến đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ.
 
Đề án mới không nêu rõ số kinh phí thực hiện, chỉ đề cập hai nguồn. Một là ngân sách nhà nước bố trí hàng năm cho chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hai là nguồn thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa khác.
 
Theo VnExpress