10:11, 06/11/2017

Sớm ổn định dạy và học

Các trường học trong toàn tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão và dự kiến hầu hết có thể tổ chức dạy và học vào ngày thứ 4 (8-11). Tuy nhiên, ở một số trường, do khối lượng thiệt hại quá lớn nên cần thêm thời gian để khắc phục. 

Các trường học trong toàn tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão và dự kiến hầu hết có thể tổ chức dạy và học vào ngày thứ 4 (8-11). Tuy nhiên, ở một số trường, do khối lượng thiệt hại quá lớn nên cần thêm thời gian để khắc phục. 
 
Thiệt hại nặng
 
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang thống kê có 110 trường mầm non, tiểu học, THCS bị ảnh hưởng do bão. Tất cả các trường đều bị rớt la phông, vỡ kính các phòng học, phòng làm việc. Nhiều máy tính, thiết bị văn phòng bị ướt. Gần 340 phòng học, phòng làm việc bị tốc mái. Gần 90 cây xanh trong khuôn viên trường học bị đổ…

 

Trường Tiểu học Phước Tiến (Nha Trang) sau bão.
Trường Tiểu học Phước Tiến (Nha Trang) sau bão.
 
 
Thiệt hại nhiều có thể kể đến các trường như: Mầm non Vĩnh Nguyên 2, Mầm non Vĩnh Thạnh, Mầm non Vĩnh Trung, Tiểu học Phước Long 1, Tiểu học Phước Thịnh, Tiểu học Vĩnh Hải 2, Tiểu học Vĩnh Hòa 2, THCS Nguyễn Hiền, THCS Lê Thanh Liêm… Ngay sau khi bão tan, các trường đã khẩn trương bắt tay ngay vào việc dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục bước đầu những công trình hư hỏng. 

 

Toàn cảnh Trường THPT Hoàng Văn Thụ sau bão.
Toàn cảnh Trường THPT Hoàng Văn Thụ sau bão.
 
 
Trường THPT Hoàng Văn Thụ là một trong những trường học của TP. Nha Trang bị thiệt hại nặng nhất do bão với ước tính khoảng 1,8 tỷ đồng. Tại khu vực thư viện của cơ sở 1, cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt, chuyên trách thư viện cho biết, gió bão giật bay mái khiến nước mưa tràn vào, hơn 50% trong số 12.000 bản sách, tài liệu bị ướt.

 

Thư viện Trường THPT Hoàng Văn Thụ tiêu điều sau bão.
Thư viện Trường THPT Hoàng Văn Thụ tiêu điều sau bão.
 
 
Nhiều phòng học, phòng hiệu bộ cũng bị bão làm tốc mái. 2 ngày qua, cán cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng các lực lượng hỗ trợ đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh, chặt cây gãy đổ, nhưng nhiều phòng học vẫn còn ngổn ngang.

 

Một trong những phòng học của Trường THPT Hoàng Văn Thụ bị tốc mái.
Một trong những phòng học của Trường THPT Hoàng Văn Thụ bị tốc mái.
 
 
Thầy Phạm Ngọc Thắng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước mắt, nhà trường sử dụng một số phòng máy chiếu, phòng thực hành, phòng bồi dưỡng học sinh giỏi… để bố trí đủ phòng học cho hơn 2.000 học sinh đi học trở lại vào thứ 4 tới. 

 

Nhà để xe giáo viên của Trường THPT Tô Văn Ơn (Vạn Ninh).
Nhà để xe giáo viên của Trường THPT Tô Văn Ơn (Vạn Ninh).
 
 
Tại huyện Vạn Ninh, đến thời điểm này, Trường THPT Tô Văn Ơn là trường bị thiệt hại nặng nhất huyện. Trong đó, 13 phòng học và 1 phòng thiết bị, dãy nhà hành chính 6 phòng và dãy nhà thực hành đều bị tốc mái, bể ngói, hệ thống trần nhà sập gần như hoàn toàn. Hệ thống điện, quạt, đèn và thiết bị cũng hư hỏng nhiều; gần một nửa số thiết bị thực hành Vật lý bị ướt hỏng.

 

Một phòng học tại Trường THPT Tô Văn Ơn
Một phòng học tại Trường THPT Tô Văn Ơn
 
 
Khu vực nhà đa năng, nhà để xe giáo viên, học sinh, tường rào cũng bị ảnh hưởng nặng, hệ thống cây xanh gần như gãy đổ hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 4 tỷ đồng. Dự kiến phải đến thứ 5 (9-11) trường mới có thể tổ chức dạy và học trở lại.

 

Một phòng học bị sập la phông tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Hòa).
Một phòng học bị sập la phông tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Hòa).
 
 
Trong khi đó, Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Hòa) có 16 phòng học và các phòng vi tính, phòng lab, phòng y tế, phòng thư viện, khu nhà hành chính, nhà đa năng bị tốc mái ngói, nhiều phòng bị sập la phông, nhà để xe, hệ thống tường rào 400m bị sập hoàn toàn.
 
11 bộ máy vi tính hư hỏng, hệ thống lọc nước tinh khiết cho học sinh cũng bị hỏng hoàn toàn. Hệ thống điện lưới đứt chưa khắc phục được; thiệt hại ước tính ban đầu lên đến 2,1 tỷ đồng. Thầy Trần Đắc Trường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đề xuất thêm thời gian khắc phục và bố trí dạy học trở lại vào ngày thứ 5. 

 

Nhà để xe Trường THPT Nguyễn Trãi
Nhà để xe Trường THPT Nguyễn Trãi
 
 
Tại huyện Khánh Vĩnh, 3 xã cánh bắc là Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp bị thiệt hại nhiều nhất; hầu hết các trường lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, mái nhà bị gió bão cuốn phăng kéo theo la phông và toàn bộ sách vở, bàn ghế 2 chỗ ngồi bị ướt, vỡ. Ở nhiều nơi, hệ thống dây điện cao áp bị rớt rất nguy hiểm.
 
Ông Bùi Hữu Hóa – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, trước mắt nhiều trường chỉ có thể tiến hành quét dọn, vệ sinh, trông coi tài sản. Nhiều cây cổ thụ vẫn đang chờ lực lượng hỗ trợ đến khắc phục. Phòng đề nghị cho các trường học trên địa bàn huyện nghỉ học đến hết ngày 8-11 và đi học trở lại vào thứ 5. Tuy nhiên ở 3 xã cánh bắc, nhiều khả năng chưa thể tổ chức dạy và học trong tuần này và rất cần sự hỗ trợ từ các lực lượng… 
 
Tiếp tục khắc phục
 
Chiều 6-11, tại cuộc họp của Sở GD-ĐT Khánh Hòa đối với các phòng GD-ĐT và đơn vị trực thuộc về việc khắc phục sau bão số 12, bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc sở cho biết, trước khi có bão xảy ra, sở đã chỉ đạo các đơn vị chủ động phòng chống; đồng thời thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 3 đến 5-11. Tuy nhiên do cơn bão quá lớn nên những thiệt hại xảy ra ngoài tầm kiểm soát.

 

Dọn dẹp vệ sinh tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ.
Dọn dẹp vệ sinh tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ.
 
 
Sau bão, một số trường đã có thể dạy học trở lại nhưng tất cả các trường ở 4 địa phương bị nặng nhất là: Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh được yêu cầu cho học sinh nghỉ học đến ngày 7-11 để khắc phục. Một số trường ở các địa phương khác như Diên Khánh, Cam Ranh, Cam Lâm… chủ động cho học sinh nghỉ học 1 đến 2 ngày để khắc phục. Sở cũng yêu cầu các trường nếu sau ngày 7-11 chưa thể tổ chức dạy và học được thì báo cáo để sở xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh, đồng thời có kế hoạch dạy bù sau. 
 
Bà Lý cũng đề nghị các trường, nhất là các trường tổ chức bán trú tăng cường việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước, khu vực nhà vệ sinh, chú ý phòng tránh dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm. Đồng thời yêu cầu các đơn vị sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để khắc phục tạm thời, khôi phục hoạt động dạy học sớm nhất, trong đó ưu tiên ổn định học tập cho học sinh khối 12. Bên cạnh đó, tiếp tục thống kê chi tiết, đầy đủ tình hình thiệt hại để báo cáo UBND cấp huyện và Sở GD-ĐT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh…

 

Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Diên Khánh).
Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Diên Khánh).
 
 
Tính đến chiều 6-11, ước tính thiệt hại ở các trường mầm non, tiểu học, THCS tại các địa phương như sau: Ninh Hòa 50 tỷ đồng, Nha Trang gần 46 tỷ đồng, Vạn Ninh 35 tỷ đồng, Diên Khánh 24 tỷ đồng, Khánh Vĩnh 10 tỷ đồng, Cam Lâm 3,5 tỷ đồng, Cam Ranh 1 tỷ đồng, Khánh Sơn 100 triệu đồng. Các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp… tổng thiệt hại ước tính 10 tỷ đồng. 
 
Bà Trương Minh Hà – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh cho biết, đến nay, theo báo cáo từ 21 đơn vị trực thuộc và Phòng GD-ĐT huyện Khánh Vĩnh, có hơn 550 cán bộ, nhà giáo, người lao động có nhà bị thiệt hại do bão. Các đơn vị cần tiếp tục nắm tình hình để Công đoàn ngành báo cáo Công đoàn Giáo dục Việt Nam và có phương án thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời.
 
Theo báo cáo, hiện có một học sinh lớp 3 tại thị xã Ninh Hòa đã mất do nhà sập trong trận bão vừa qua.
 
 
H.NGÂN