10:11, 03/11/2017

Cần chuẩn bị tốt tâm thế cho học sinh

Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo vừa trình UBND tỉnh Khánh Hòa phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2018 - 2019 đang được nhiều phụ huynh, học sinh hết sức quan tâm. 

Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa trình UBND tỉnh Khánh Hòa phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2018 - 2019 đang được nhiều phụ huynh, học sinh (HS) hết sức quan tâm. Theo đó, ngoại trừ các địa phương khác vẫn xét tuyển như những năm trước, thì năm nay, sở đề xuất TP. Nha Trang kết hợp xét tuyển và thi tuyển.


Nhiều ý kiến đồng tình


Xét tuyển kết hợp thi tuyển không phải là phương án tuyển sinh vào lớp 10 lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ năm học 2007 - 2008 đến 2009 - 2010, đã tiến hành xét tuyển ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; kết hợp thi tuyển với xét tuyển ở các địa bàn còn lại. Từ năm học 2010 - 2011 đến 2011 - 2012, kết hợp thi tuyển với xét tuyển ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thi tuyển ở các địa bàn còn lại. Năm học 2012 - 2013, thi tuyển ở địa bàn TP. Nha Trang và xét tuyển ở các địa bàn còn lại. Từ năm học 2013 - 2014 đến 2017 - 2018, xét tuyển trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Việc đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 được Sở GD-ĐT dựa trên cơ sở nguyện vọng của một số cử tri ở TP. Nha Trang và thực tế quản lý, chỉ đạo của sở. Trong năm 2016, tại một đợt lấy ý kiến các cơ sở GD và các phòng GD-ĐT trên địa bàn tỉnh về phương án tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD-ĐT tiến hành, phương án này cũng được nhiều ý kiến đồng tình nhất. Theo đó, có 41,82% ý kiến nhất trí phương án kết hợp thi tuyển với xét tuyển đối với các trường THPT trên địa bàn TP. Nha Trang và xét tuyển đối với các trường THPT trên địa bàn còn lại; 32,73% ý kiến ủng hộ phương án xét tuyển ở tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh; 25,45% cho rằng nên thi tuyển đối với các trường THPT trên địa bàn TP. Nha Trang, xét tuyển đối với các trường THPT trên địa bàn còn lại. Theo phương án vừa được sở đề xuất, sở dĩ chỉ tổ chức thêm 1 kỳ thi tại TP. Nha Trang vì đây là địa bàn “nóng” về tuyển sinh, nhất là ở một số trường top trên. Còn các địa phương khác, công tác xét tuyển khá ổn định và tỷ lệ HS trúng tuyển vào các trường công lập cao nên việc tổ chức một kỳ thi là không cần thiết.


Nhìn lại 5 năm liên tiếp thực hiện phương thức xét tuyển vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh, không thể phủ nhận những ưu điểm của phương thức này như: đánh giá được quá trình học tập và rèn luyện của HS trong 4 năm học ở cấp THCS; giảm tốn kém khi tổ chức 1 kỳ thi và bảo đảm thời gian nghỉ hè cho HS và giáo viên (giáo viên 2 tháng, HS 3 tháng). Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít những vấn đề bất cập đã nảy sinh. Ngành GD cũng thừa nhận giữa một số trường THCS có hiện tượng đánh giá, chấm điểm không thống nhất, không đồng đều, dẫn đến không công bằng cho HS trong xét tuyển. Thậm chí, nhiều HS giỏi, đạt điểm tuyệt đối, điểm lớp 9 cao vẫn suýt trượt công lập (nếu như tỉnh không có phương án “cứu”), vì không ngờ rất nhiều HS còn có điểm cao hơn mình.


Thầy Lê Tấn Sĩ - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng, ngôi trường “nóng” nhất trong các kỳ xét tuyển cũng ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi để tạo cơ hội công bằng hơn cho các HS.

 
Học sinh một trường THCS tại TP. Nha Trang

Học sinh một trường THCS tại TP. Nha Trang

 

Học thật, thi thật


Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh trên địa bàn TP. Nha Trang thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh việc quản lý điểm số, đánh giá HS còn chưa đồng nhất và bệnh thành tích còn tồn tại thì cần thay đổi phương thức tuyển sinh, cụ thể là tổ chức một kỳ thi công bằng, khách quan hơn. Có thi, nhà trường, giáo viên sẽ có thêm động lực để dạy thật, các em có thêm động lực để học tập. Có thi, thì những em HS giỏi thật sự sẽ không lo canh cánh “học giỏi vẫn rớt” vì khâu chọn trường, chọn nguyện vọng. Có thi, thì những phụ huynh có con mới học lớp 6 không đạt HS giỏi vẫn còn hy vọng được vào học một trường top trên. Kết quả thi sẽ giúp cha mẹ nhìn nhận đúng hơn thực lực con mình, giáo viên, nhà trường không “mơ ngủ” với học lực của HS mình. Đó cũng là hệ quy chiếu để xã hội nhìn nhận rõ hơn việc thực tế dạy và học tại nhà trường hiện nay, sẽ biết những điểm số tuyệt đối khi xét tuyển, những điểm 9, điểm 10 trong học bạ là thật, hay là ảo!


Tất nhiên, nếu chỉ thi tuyển (như đã từng làm) thì dễ dẫn đến việc HS học lệch môn, đổ xô dạy thêm học thêm hay nỗi ngậm ngùi “học tài thi phận”… Đó là chưa kể đến sự thay đổi lớn sẽ tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho HS. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vừa thi vừa xét tuyển có lẽ là thước đo chặt chẽ và phù hợp, dù không thể khẳng định một phương án nào là tuyệt đối. Nếu phương án trên được UBND tỉnh chấp thuận, ngành GD-ĐT sẽ phải bỏ thêm công sức, kinh phí để tổ chức 1 kỳ thi, HS cũng vất vả hơn vì vừa lo học đều các môn để đạt kết quả học tập tốt, vừa phải tập trung ôn tập để thi một số môn chủ đạo… Điều quan trọng lúc này là chuẩn bị tốt tâm thế cho HS, để dù là phương án nào, các em cũng có thể tự tin và chủ động. Nhưng muốn vậy, thì chỉ có cách học thật, thi thật, bắt đầu từ vai trò từ những nhà quản lý, nhà trường cho đến giáo viên!


H.NGÂN