10:10, 12/10/2017

Ngăn chặn bạo lực học đường

Vụ một nhóm học sinh tại Hà Nội đánh hội đồng một nữ sinh khác được quay video clip đăng trên mạng xã hội mới đây lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng bạo lực học đường. Chưa bao giờ các vụ việc bạo lực học đường lại xảy ra nhiều và nghiêm trọng như hiện nay…

 

Vụ một nhóm học sinh (HS) tại Hà Nội đánh hội đồng một nữ sinh khác được quay video clip đăng trên mạng xã hội mới đây lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng bạo lực học đường. Chưa bao giờ các vụ việc bạo lực học đường lại xảy ra nhiều và nghiêm trọng như hiện nay…


Ngày càng phức tạp


Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, vẫn xảy ra tình trạng HS một số trường vi phạm pháp luật, bị kỷ luật bằng các hình thức đình chỉ học tập, buộc phải thôi học do gây gổ, đánh nhau, gây rối trật tự… Nếu như trước đây, bạo lực học đường chỉ xảy ra chủ yếu dưới các hình thức cãi vã, chửi bới, xúc phạm bạn bè… thì nay nhiều vụ đánh nhau có tổ chức nhóm, sử dụng hung khí, một số HS còn sử dụng điện thoại di động để ghi hình vụ hành hung, đăng tải trên mạng xã hội để câu like hay khoe “chiến tích”. Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2011 đến 2016, trên địa bàn TP. Nha Trang xảy ra 60 vụ HS đánh nhau gây rối (trong đó 1 vụ dẫn đến chết người), TP. Cam Ranh 12 vụ (1 vụ dẫn đến chết người)… Song, đó mới chỉ là những vụ nổi cộm, đặc biệt nghiêm trọng, còn trên thực tế, bạo lực học đường vẫn đang tồn tại dưới nhiều hình thức và hành vi khác nhau.

 

Tại 2 hội thảo về phòng, chống bạo lực học đường gần đây do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Hội Khoa học Tâm lý và GD tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến đã chỉ ra, bạo lực học đường ngày càng phức tạp, bao gồm cả bạo lực thể xác, tinh thần, xảy ra ở các cấp học, nhưng tập trung nhất ở cuối cấp THCS và đầu cấp THPT. Tình trạng bạo lực không chỉ diễn ra giữa HS với HS, kể cả với HS nữ mà còn giữa HS với thầy cô giáo, HS với phụ huynh... Nguyên nhân của bạo lực học đường cũng được nhận diện đúng bản chất dưới góc nhìn của tâm lý học, GD học và xã hội học như: từ bản thân HS (lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, các em ngày càng muốn khẳng định mình trong tập thể và xã hội), yếu tố gia đình (thiếu quan tâm, nêu gương xấu…), nhà trường (việc GD đạo đức, lối sống, rèn kỹ năng sống cho HS chưa hiệu quả), nguyên nhân khách quan từ môi trường xã hội (phim ảnh bạo lực, trò chơi điện tử, văn hóa phẩm xấu…).


Biểu hiện và hành vi bạo lực ban đầu có thể chỉ là bắt nạt bạn bè hoặc HS nhỏ hơn, nhất là những em mới vào trường; đùa giỡn quá đáng dẫn đến xung đột; khiêu khích, thách đố bạn để thể hiện cái tôi; không ưa nên đánh, đánh vì tranh bạn gái; người khác nhờ đánh hay chẳng có lý do gì cũng đánh!

 

Hội trại là một trong những hoạt động ngoại khóa bổ ích, thu hút học sinh tham gia

Hội trại là một trong những hoạt động ngoại khóa bổ ích, thu hút học sinh tham gia

 

Cần những giải pháp hiệu quả


Vấn đề đặt ra hiện nay là bạo lực học đường cần phát hiện sớm, từ đó có giải pháp nhằm ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả. Tại các hội thảo về vấn đề này, một trong những vấn đề cấp thiết được nêu ra là việc dạy kỹ năng sống cho HS, bao gồm kỹ năng ứng xử, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết xung đột… Theo ông Lê Anh Bằng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm, cần thay đổi chương trình và nội dung dạy đạo đức, kỹ năng trong nhà trường, giảm bớt những nội dung học không cần thiết và lý thuyết suông để thay bằng các tiết dạy gắn liền với thực tế; trang bị cho HS những kỹ năng xã hội cần thiết. Đồng thời, xây dựng văn phòng tư vấn trong nhà trường để các em chia sẻ khó khăn; tháo gỡ kịp thời những khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong môi trường học đường; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, sân chơi lành mạnh để lôi cuốn HS và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, giúp các em có nhận thức đầy đủ và tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực của Internet, trò chơi điện tử, phim ảnh có nội dung không lành mạnh…


Tại Trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Diên Khánh), nhà trường cũng đã triển khai một số giải pháp hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường. Theo bà Trác Hoàng Oanh - Hiệu trưởng nhà trường, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo bộ phận phụ trách nề nếp, kỷ luật HS xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động, phân công giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp triển khai tại lớp. Bên cạnh đó, tổ tư vấn học đường được thành lập bởi những giáo viên có uy tín, được đào tạo bài bản về công tác tư vấn tâm lý cùng đội ngũ nhân viên y tế và tổng phụ trách đội. Tổ tư vấn đã phát huy hiệu quả trong việc giúp đỡ một số HS có xu hướng bạo lực, chán nản, muốn nghỉ học. Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ HS có hạnh kiểm trung bình, yếu của trường giảm dần.


Mới đây, Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Trong đó, cần chỉ đạo, đôn đốc thực hiện văn bản của các cấp về việc tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của HS, phát huy vai trò của HS trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực. Sở cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền quản lý, GD HS; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các hàng quán, tụ điểm vui chơi giải trí, dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến có biểu hiện mất an ninh trật tự khu vực cổng trường; tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý HS, GD kỹ năng sống; phối hợp với công an địa phương ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trường học…


 Đã đến lúc, cần phải nghiêm túc đánh giá lại vấn đề GD đạo đức, nhân cách cho HS. Nếu không có giải pháp đồng bộ trên cơ sở phối hợp chặt chẽ gia đình - nhà trường - xã hội, thì bạo lực học đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


T. VIỆT