09:10, 26/10/2017

Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá: Phát huy những cách làm hay

Những năm gần đây, một số trường THPT đã có những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Những năm gần đây, một số trường THPT đã có những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.


Bản chất của đổi mới phương pháp dạy học trong trường phổ thông là thay đổi lối truyền thụ kiến thức một chiều sang phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh (HS), rèn cho HS kỹ năng tự học, tinh thần hợp tác, tạo niềm vui và hứng thú trong học tập. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào không đơn giản.

 

Theo cô Phạm Thị Bích Thủy - tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang), đổi mới trước hết phải bắt đầu từ nhận thức, quyết tâm, không chủ quan và không bảo thủ. Cần loại bỏ tư tưởng áp đặt một chiều lên HS, có như vậy mới tạo hứng thú cho các em trong giờ học. Từ khi nhà trường được giao quyền tự chủ trong phân phối chương trình giảng dạy, các giờ giảng đi vào thực tế hơn, giáo viên chủ động hơn về thời gian, phương pháp. Các tổ chuyên môn mạnh dạn tăng, giảm nội dung bài học phù hợp thực tế và khả năng tiếp nhận của HS. Nhiều nội dung được điều chỉnh; các chủ đề dạy học liên môn được xây dựng và thực hiện; các nội dung dạy học lồng ghép, nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... được vận dụng linh hoạt hơn. Tại tổ Ngữ văn, có cô giáo đã rất thành công khi ứng dụng phương pháp sơ đồ tư duy trong ôn thi cho HS khối 12 nên năm nào tỷ lệ tốt nghiệp của lớp cũng cao hơn so với mặt bằng chung của tổ. Ngoài ra, nhiều giáo viên đã kết hợp linh hoạt các đồ dùng dạy học truyền thống như: tranh ảnh, sơ đồ minh hoạ cho đến ứng dụng công nghệ thông tin nên đã đạt hiệu quả cao.


Theo cô Nguyễn Thị Thanh Lý - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh), nếu chỉ dừng ở việc “khoán trắng” cho giáo viên dạy đảm nhận từ khâu ra đề, tổ chức kiểm tra, chấm bài, ghi điểm… mà thiếu sự kiểm tra sát sao của cấp quản lý rất dễ dẫn đến tiêu cực, bất cập. Do đó, nhà trường đã tổ chức kiểm tra tập trung 1 tiết, 2 tiết và học kỳ, thi thử THPT quốc gia. Theo đó, bố trí các phòng kiểm tra theo trình độ, năng lực HS và xáo trộn danh sách HS giữa các lớp. Ở các môn trắc nghiệm, mỗi HS có một mã đề riêng. Sau mỗi bài kiểm tra, các tổ nhóm chuyên môn họp rút kinh nghiệm về đề và chất lượng bài làm của từng đối tượng HS và tiến hành rà soát, kiểm tra điểm các lớp theo định kỳ và đột xuất. “Cách làm này đã đảm bảo công bằng, khách quan hơn trong kiểm tra, đánh giá, khắc phục bệnh thành tích; rèn cho giáo viên sự nghiêm túc trong coi và chấm kiểm tra, còn HS có tâm lý và ý thức tốt hơn trong kiểm tra, thi cử. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường năm sau cao hơn năm trước”, cô Lý cho biết.

 

Tổ chức kiểm tra tập trung toàn trường đảm bảo công bằng, khách quan hơn trong đánh giá học sinh

Tổ chức kiểm tra tập trung toàn trường đảm bảo công bằng, khách quan hơn trong đánh giá học sinh

 

Một số phương pháp dạy học tích cực như: phương pháp “bản đồ tư duy”, “bàn tay nặn bột”; vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án trong các môn học; ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức dạy học phân hóa phù hợp các đối tượng HS... cũng được nhiều trường triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, một số trường đã tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo như: phối hợp với các khu công nghiệp, các viện nghiên cứu… để xây dựng các tiết học ngoài nhà trường với các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn; phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Hải Dương học xây dựng bài dạy cho các tiết học ngoài nhà trường để các trường tổ chức triển khai, đưa HS làm quen với thực tế. Nhiều trường còn tổ chức cho HS tham quan di tích lịch sử, xây dựng dự án liên quan đến di sản, di tích…, tạo cho các em niềm say mê, hứng thú trong học tập và tìm tòi, nghiên cứu.


Có thể thấy, đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi giáo viên phải vất vả hơn, dành nhiều thời gian thiết kế, soạn bài... so với dạy theo phương pháp truyền thống: cô giảng - trò nghe, cô đọc - trò chép. Chưa kể những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động… là một cản trở không nhỏ khi thực hiện các giải pháp đổi mới ở nhà trường. Trong khi đó, nội dung, chương trình nhiều môn học, cấp học tuy đã được giảm tải song vẫn còn nặng nề, tạo áp lực và chiếm nhiều thời gian của giáo viên và HS. Trong tình hình đó, việc đổi mới càng đòi hỏi nhiều hơn nữa trách nhiệm và sự quyết tâm của các cấp quản lý, các cán bộ, nhóm, tổ trưởng chuyên môn trong nhà trường. Và những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của các trường cần được phát huy, nhân rộng hơn nữa để các trường cùng học hỏi, tham khảo.


T.VIỆT