05:09, 14/09/2017

Phát huy vai trò thư viện trường học

Hiện nay, hoạt động thư viện trong các trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cần được đổi mới, phát huy hiệu quả hơn nữa để từng bước xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.

 

Hiện nay, hoạt động thư viện trong các trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cần được đổi mới, phát huy hiệu quả hơn nữa để từng bước xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.


Những bất cập


Thời gian qua, hoạt động thư viện trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã phần nào đổi mới, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn tỉnh hiện có hơn 50% thư viện trường học đạt chuẩn (đây cũng là một trong những yếu tố để công nhận trường chuẩn quốc gia). Riêng ở cấp tiểu học, năm học 2016- 2017, toàn tỉnh có 134 thư viện đạt chuẩn và tiên tiến, chiếm 69%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thư viện hoạt động chưa hiệu quả, thiếu linh hoạt, hình thức chưa phong phú nên chưa thật sự hấp dẫn và lôi cuốn giáo viên, học sinh (HS). Bên cạnh những nhân viên thư viện có tâm huyết, đưa ra nhiều hoạt động trong nhà trường thì có những nhân viên chưa thực hiện hết chức trách của mình mà chỉ đơn thuần mua sách, cho mượn sách, thống kê vào sổ...; không kiểm soát được việc HS đọc sách như thế nào. Trong khi đó, do sự bùng nổ, phát triển nhanh của công nghệ thông tin nên văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng ngày càng có xu hướng lấn át văn hóa đọc.

 

Theo ông Trần Ngọc Có - chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm, hiện nay, hồ sơ sổ sách đối với nhân viên thư viện quá nhiều, có tới 16 loại, cần phải loại bỏ bớt để tập trung nhiều hơn cho chuyên môn, đó là chưa kể họ còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Đối với trường loại 2, 3, nhân viên thư viện phải kiêm thiết bị, thủ quỹ, học vụ... Bên cạnh đó, đầu sách còn nghèo nàn do kinh phí bổ sung hàng năm ít. Một số trường xây dựng từ lâu nên diện tích không đủ để thiết kế thư viện đạt chuẩn, chủ yếu lấy phòng học làm thư viện. Chưa kể hình thức tổ chức các hoạt động đọc cũng chưa phong phú, chưa thu hút HS...

 

Hội sách là một trong những hoạt động thu hút học sinh tham gia

Hội sách là một trong những hoạt động thu hút học sinh tham gia

 

Xây dựng mô hình điểm về văn hóa đọc


Được biết, những năm trước, công tác thư viện được Sở GD-ĐT giao cho một phòng chuyên môn phụ trách tất cả các cấp học. Nhưng từ năm học 2016 - 2017, công tác này được giao cho từng cấp học riêng để việc thực hiện bài bản, dễ kiểm soát hơn và đòi hòi cán bộ quản lý quan tâm đầu tư hơn. Đầu năm học 2017 - 2018, sở đã chỉ đạo và hướng dẫn các phòng GD-ĐT xây dựng, đổi mới hoạt động thư viện nhằm khơi gợi niềm đam mê, hứng thú đọc sách cho HS, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

 

Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Văn hóa đọc bao gồm: sở thích, thói quen và kỹ năng đọc sách. Rèn cho HS 3 yếu tố này thì sẽ xây dựng được văn hóa đọc. Trong năm học 2017 - 2018, sở sẽ chọn 2 trường thí điểm mô hình để tổ chức chuyên đề, giới thiệu cho các đơn vị khác học tập, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.

Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT cho biết, sở yêu cầu các phòng GD-ĐT xây dựng mạng lưới cán bộ thư viện cốt cán để hỗ trợ các trường trong việc tập huấn, bồi dưỡng công tác thư viện. Các trường cần xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện hiệu quả, khoa học. Cụ thể, trong năm học, hàng tháng, hàng tuần cần làm gì, thời gian thực hiện và hoàn thành ra sao, sản phẩm, kết quả như thế nào? Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện lợi, tạo điều kiện cho HS dễ tìm kiếm sách báo, tài liệu và có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Thủ tục mượn và trả sách cũng cần đơn giản, thuận tiện, cán bộ thư viện phục vụ thân thiện, nhiệt tình. Ngoài ra, cán bộ thư viện phối hợp với giáo viên, hội đồng tự quản của nhà trường giao nhiệm vụ, yêu cầu để HS xác định mục đích, nội dung cần đọc và kỹ năng đọc tùy theo từng nhu cầu: học tập hay khám phá, tìm hiểu, cảm thụ, rèn luyện đạo đức...


Sách, báo, tài liệu cũng cần được bổ sung thường xuyên và phù hợp với đối tượng người đọc. Đồng thời, cần tổ chức các phong trào quyên góp sách, hoạt động giao lưu, hội sách theo các chuyên đề phong phú, đa dạng để khuyến khích HS đến với thư viện và yêu thích đọc sách...


Được biết, Sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT lựa chọn một số trường tiểu học thực hiện thí điểm mô hình “Thư viện thân thiện và xây dựng văn hóa đọc trong trường tiểu học”. Trong đó, TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa mỗi đơn vị chọn 2 trường, các địa phương khác mỗi đơn vị chọn 1 trường. Các trường này sẽ được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện; hỗ trợ xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động; chọn một số hoạt động nổi bật, thực hiện hiệu quả để giới thiệu cho các trường tiểu học trên địa bàn tham quan, học tập và nhân rộng.


H.N