11:08, 22/08/2017

Nha Trang: Khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non

TP. Nha Trang chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giải quyết nhu cầu học tập ngày càng tăng của trẻ em trên địa bàn. 

TP. Nha Trang chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non (GDMN), giải quyết nhu cầu học tập ngày càng tăng của trẻ em trên địa bàn.  


Nhu cầu cấp bách


Toàn TP. Nha Trang hiện có 67 trường MN, trong đó có 44 trường công lập, 23 trường tư thục với 796 phòng học (công lập 345 phòng, ngoài công lập 451 phòng). Ngoài ra, có 137 nhóm, lớp MN tư thục đã được cấp phép. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Nha Trang, có 25/27 xã, phường có từ 1 đến 2 trường MN được xây dựng trước năm 2010, đều không đạt chuẩn theo quy định. Năm 2011, cơ sở vật chất của 29 trường MN dân lập chuyển giao sang công lập không đạt về quy mô và chất lượng, nhiều cơ sở xuống cấp trầm trọng. Đồ chơi trong nhà, ngoài trời và các phương tiện phục vụ nuôi dạy trẻ còn hạn chế; sân chơi chật hẹp do thiếu diện tích; bếp ăn bán trú một số chưa đạt quy chuẩn bếp 1 chiều; thiếu phòng hiệu bộ, phòng chức năng…

 

Được biết, từ năm 2012 - 2016, thành phố đầu tư cho GDMN hơn 163,2 tỷ đồng, trong đó khu vực các phường nội thành gần 47,4 tỷ đồng; các phường vùng ven hơn 57,9 tỷ đồng; các xã gần 57,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do diện tích các trường đều hạn chế nên dù có đầu tư kinh phí lớn vẫn không tăng được số phòng học. Hiện nay, hầu hết các xã, phường đều thiếu phòng học cho trẻ MN. Các gia đình phải gửi con em ở các nhóm lớp MN tư thục tự phát.  


Hiện tại, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trên địa bàn TP. Nha Trang còn thấp, trong đó nhà trẻ mới chỉ đạt 20,5%, mẫu giáo 90,1%. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 với tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp là 30%; mẫu giáo 90%, cần phải có thêm 80 phòng học. Trong khi đó, theo kế hoạch đến năm 2020, ngân sách nhà nước chỉ xây mới được 38 phòng. Vì vậy, cần thực hiện xã hội hóa 42 phòng. Tuy nhiên, hoạt động xã hội hóa cơ sở vật chất GDMN trên địa bàn TP. Nha Trang thời gian qua chủ yếu do tự phát. Nhà nước chưa có định hướng chiến lược cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn và chế độ ưu đãi. Do đó, chưa có nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư xây dựng trường MN theo quy mô lớn, cơ sở vật chất theo chuẩn quy định.

 

Một tiết học tại Trường Mầm non Lý Tự Trọng

Một tiết học tại Trường Mầm non Lý Tự Trọng

 

Dành quỹ đất xây trường mầm non

 

Các công trình xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa trên địa bàn TP. Nha Trang từ năm 2018 - 2020: các công trình đã có chủ đầu tư gồm: MN Xương Huân (tại cồn Tân Lập), MN Phước Hải (Khu đô thị VCN); MN Thọ Khang (phường Vĩnh Hòa), MN Vĩnh Thái (Khu đô thị Mỹ Gia). Các công trình chưa có chủ đầu tư cần kêu gọi xã hội hóa là: MN Vĩnh Hải (Khu dân cư Vĩnh Hải); MN Phương Sài (đường Hoàng Văn Thụ); MN Phước Long (đường Dã Tượng); MN Tân Lập, MN Phước Hòa (sân bay Nha Trang); MN Vĩnh Nguyên (sân bay Nha Trang và kho cảng Bình Tân).

Từ sau năm 2020, kêu gọi xã hội hóa xây dựng các trường gồm: MN Vạn Thắng, MN Ngọc Hiệp; MN Vĩnh Phước.

Theo “Đề án xã hội hóa cơ sở vật chất GDMN TP. Nha Trang giai đoạn 2017 - 2020” vừa được Thành ủy Nha Trang thông qua, thành phố sẽ tăng cường cơ sở vật chất cho GDMN bằng các hình thức xã hội hóa. Mục tiêu là đến năm 2020 huy động ít nhất 30% trẻ độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp, trong đó 100% trẻ 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở GDMN. Đồng thời, duy trì và giữ vững chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập GDMN trẻ 3, 4 tuổi.


Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố chủ trương, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xã hội hóa cơ sở vật chất GDMN. Các xã, phường sẽ rà soát quỹ đất để đề xuất xây cơ sở GDMN. Thành phố cũng sẽ tham mưu với UBND tỉnh tăng cường quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục; chuyển đổi 2 phòng khám đa khoa số 3 và số 5 để xây dựng trường MN tại các phường: Phương Sài, Phước Long; đầu tư xây dựng trường tại các khu đất đã được quy hoạch đất giáo dục gồm: MN Vĩnh Phước, MN Vĩnh Nguyên, MN Vạn Thắng, MN Ngọc Hiệp...


TP. Nha Trang cũng chủ trương đa dạng hóa các loại hình giáo dục, các nguồn đầu tư cho GDMN. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh cho phép thực hiện xã hội hóa giáo dục đối với quy hoạch trong các khu đô thị; giảm bớt đầu tư công ở một số địa bàn thuận lợi để tổ chức xã hội hóa để dành kinh phí đầu tư cho những vùng khó khăn. “Việc xã hội hóa cơ sở vật chất GDMN được thực hiện dưới hình thức Nhà nước cho thuê đất, nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị; hoặc Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà đầu tư thuê khai thác sử dụng; ưu tiên miễn giảm thuê đất, thuê nhà, thiết bị... Đề án được thực hiện sẽ là điều kiện cần để chăm sóc, nuôi dạy trẻ đúng chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, tạo nên sự công bằng trong đầu tư và chất lượng nuôi dạy ở các địa bàn khác nhau trong thành phố”, ông Khánh cho biết.


H.N