05:08, 18/08/2017

Ngành sư phạm ít thu hút thí sinh

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay diễn ra một thực tế: ngành sư phạm thiếu sức hút, nhất là đối với những thí sinh điểm cao; điểm chuẩn vào ngành sư phạm của nhiều trường rất thấp. 

Tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay diễn ra một thực tế: ngành sư phạm thiếu sức hút, nhất là đối với những thí sinh (TS) điểm cao; điểm chuẩn vào ngành sư phạm của nhiều trường rất thấp. Trong bối cảnh đó, các trường đào tạo sư phạm ở Khánh Hòa cũng gặp không ít khó khăn và bất cập trong tuyển sinh.


Chưa tuyển đủ chỉ tiêu


Là trường có bề dày đào tạo sư phạm hơn 40 năm, nhưng năm nay, chỉ tiêu ngành sư phạm của Trường ĐH Khánh Hòa chỉ chiếm khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn trường. Trong xét tuyển đợt 1, các ngành sư phạm ĐH gồm: Toán học, Vật lý, Ngữ văn mới chỉ có trên 74% TS xác nhận nhập học trên tổng số 150 chỉ tiêu. Trong các ngành CĐ sư phạm, nhà trường mới chỉ tuyển được 3 ngành: Giáo dục tiểu học; sư phạm Hóa học và sư phạm Tiếng Anh với trên 65% TS xác nhận nhập học; còn 4 ngành sư phạm gồm: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Sinh học, Giáo dục thể chất với tổng chỉ tiêu là 200 sinh viên không tuyển sinh được.

 

Một tiết học tại Trường THCS Bạch Đằng (TP. Nha Trang). (Ảnh minh họa)

Một tiết học tại Trường THCS Bạch Đằng (TP. Nha Trang). (Ảnh minh họa)


Tuy chưa hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh CĐ sư phạm nhưng theo Tiến sĩ Phan Phiến - Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường, mức điểm vào sư phạm của trường đợt 1 năm nay khá tốt và đảm bảo chất lượng đầu vào. Thủ khoa của trường là TS ngành sư phạm với 25,5 điểm và đã xác nhận nhập học. Ngoài ra, hơn 90% TS trúng tuyển ĐH sư phạm đạt từ 17 điểm trở lên. Đối với hệ CĐ, hơn 90% TS đạt từ 15,5 điểm trở lên; số điểm thấp chiếm tỷ lệ nhỏ, trong đó mức điểm chuẩn 10,25 đối với ngành sư phạm Hóa học là cá biệt.


Với 2 phương thức tuyển sinh là xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và xét điểm học bạ, Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang có trên 86% TS trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển vừa qua. Trong 5 ngành CĐ sư phạm, điểm trúng tuyển dao động từ 13,5 đến 17,5 điểm. Có gần 90% số TS đạt từ 16 điểm trở lên. Với những TS xét học bạ, điều kiện trúng tuyển là mỗi môn đạt từ 6 điểm trở lên. Bà Trịnh Thị Hồng Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm gần đây, chất lượng đầu vào của nhà trường tương đối ổn định. Những con số báo động về chất lượng đầu vào hệ sư phạm ở một số trường được báo chí đưa tin thì chưa thấy thể hiện trên phổ điểm đối với đối tượng tuyển sinh vào trường trong năm học này. TS đạt điểm từ mức trung bình trở lên ở trường phổ thông thì mới có cơ sở để đảm bảo chất lượng đào tạo, thực hiện chuẩn đầu ra theo cam kết của nhà trường”.


Cần giải pháp đồng bộ


Tuy các đợt xét tuyển ĐH, CĐ nguyện vọng bổ sung năm nay chưa kết thúc, nhưng với tình hình hiện tại, việc vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, vừa đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm ở các trường đang là một thách thức. Những năm gần đây, tuy nhiều trường đào tạo ngành sư phạm đã thực hiện cắt giảm chỉ tiêu nhưng do nhiều nguyên nhân, việc tuyển sinh vẫn rất nan giải. Nhiều em không thiết tha với ngành này vì đầu ra khó, trong khi tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên vẫn đang là bất cập đặt ra ở các địa phương. Tiến sĩ Phan Phiến cho rằng, nhiều học sinh giỏi không đăng ký xét tuyển ngành sư phạm, hoặc sinh viên giỏi ngành sư phạm không đậu trong kỳ tuyển dụng, nhưng em khác yếu hơn lại có tên trong danh sách trúng tuyển. Đó là do ở nhiều nơi thiếu sự khách quan, công bằng trong tuyển dụng, chế độ đối với ngành sư phạm chưa thỏa đáng…


Các trường đào tạo sư phạm đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để giải bài toán: giữ chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu trường, xoay sở để đạt được chỉ tiêu tuyển sinh. Song, chỉ có sự nỗ lực của các trường là không đủ. Bà Nguyễn Tuyết Lan - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang cho rằng, cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các cấp, ngành, địa phương và các trường sư phạm để giải quyết bài toán từ cơ chế chính sách của Nhà nước đến quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, sự kiểm soát, giám sát về chất lượng, kết quả đào tạo của nhà trường. Còn theo Tiến sĩ Phan Phiến, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn với ngành sư phạm cũng như chế độ tuyển dụng, đãi ngộ phù hợp và công bằng cho sinh viên sau khi ra trường. Đặc biệt là sự công bằng trong sát hạch, tuyển dụng sẽ góp phần khuyến khích cũng như lựa chọn được những TS có năng lực thực sự, đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên.


T.V