12:08, 24/08/2017

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trước thềm năm học mới 2017-2018, trong đó chú trọng đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.

 

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trước thềm năm học mới 2017-2018, trong đó chú trọng đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.


Các trường tự xây dựng kế hoạch học tập


Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, kết quả nổi bật nhất của ngành trong năm học qua là đã phát huy hiệu quả của việc giao quyền chủ động cho các cơ sở GD-ĐT tự xây dựng kế hoạch, phương pháp dạy học phù hợp. Các trường đã sắp xếp lại nội dung dạy học để khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; triển khai các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực; chú trọng các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá...

 

Thầy Trần Đắc Trường - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa) cho biết, trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của sở, tổ bộ môn đã thảo luận, thống nhất xây dựng khung chương trình trọng tâm cho từng khối lớp. Tùy theo mỗi môn học và sức học của từng đối tượng học sinh (HS), tổ bộ môn xây dựng những kiến thức trọng tâm cần cho từng chương, từng bài. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức kiểm tra chung cho tất cả bài kiểm tra định kỳ của 9 bộ môn ở cả 3 khối, sắp xếp HS các lớp khác nhau cùng một phòng, đồng thời linh hoạt cách ra đề trong việc phối hợp hình thức tự luận và trắc nghiệm. Kết quả thi được công bố trên website để phụ huynh và HS biết. Những giải pháp đó đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng GD của nhà trường. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, trường có gần 95% HS đạt từ điểm sàn trở lên. Năm học qua, trường đạt 105 giải HS giỏi các cấp và 22 huy chương trong lần đầu tham dự kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 (dành cho HS giỏi khối 10 và 11 các tỉnh phía nam).


Năm học qua ghi nhận sự ổn định và phát triển về chất lượng GD đại trà của tỉnh. Tỷ lệ HS khá, giỏi tăng, trong đó cấp THCS 65,2%, cấp THPT 56,5%. Bên cạnh đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 với những đổi mới theo hướng nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém và tạo thuận lợi cho thí sinh cũng được Sở GD-ĐT tổ chức an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 96,4%, tăng 8,7% so với năm trước. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm sàn (15,5 điểm) trở lên là 66,65%, tăng 8%. Ngoài ra, kết quả phổ cập GD tiểu học, THCS, xóa mù chữ được duy trì; công tác GD đạo đức, kỹ năng sống cho HS được quan tâm hơn. Đây cũng là năm GD miền núi tiếp tục được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho HS, nhờ đó mạng lưới trường học đã tương đối hoàn chỉnh, trường lớp ngày càng khang trang...

 

Học sinh Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang) trong một tiết học ngoại khóa

Học sinh Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang) trong một tiết học ngoại khóa

 

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý


Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GD-ĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Cơ sở vật chất trường học tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới GD; một số trường học bị xuống cấp chưa được đầu tư ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú, xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng GD miền núi còn thấp; tỷ lệ HS bỏ học còn khá cao, nhất là cấp THPT. Trong khi đó, công tác GD mũi nhọn tuy đã được các cấp, ngành quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Những hạn chế đó vừa có nguyên nhân khách quan của việc thiếu quỹ đất, kinh phí…, nhưng cũng có nguyên nhân do một bộ phận cán bộ quản lý các cơ sở GD chưa năng động, sáng tạo, chậm đổi mới. “Trong năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT chú trọng rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ GD các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn quy định để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo có năng lực và ý thức, trách nhiệm cao. Nếu không chuyển biến được đội ngũ này thì không thể nói đến nâng cao chất lượng GD”, ông Lê Tuấn Tứ cho biết.


Năm học tới, ngành GD-ĐT tỉnh cũng sẽ tập trung chuẩn bị các điều kiện cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (dự kiến triển khai từ năm học 2018-2019). Trong đó, GD mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, GD trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. GD phổ thông tăng cường GD đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thí điểm triển khai mô hình GD nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. GD miền núi tăng cường vận động HS ra lớp, nâng cao chất lượng dạy và học. Cũng trong năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT mở thêm 2 lớp 9 tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) để tạo điều kiện cho HS tiếp cận chương trình chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng GD mũi nhọn.


Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT tiếp tục phát huy hiệu quả của việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường. Mặt khác, tăng cường cải cách hành chính, tạo thông tin 2 chiều giữa Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT để có thông tin thông suốt, nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn trong dạy và học. Ngành cũng sẽ tiến hành rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tập trung vào một số khu vực có nhiều bất cập về mạng lưới trường học các cấp; đồng thời triển khai dự án các trường THPT: Bắc Ninh Hòa, Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Khánh Vĩnh, Nam Diên Khánh… để đáp ứng nhu cầu học tập của HS.


H.N