11:07, 05/07/2017

Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi: Những bước đi vững chắc

5 năm qua, nhờ được quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực, công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

5 năm qua, nhờ được quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực, công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.


Ưu tiên nguồn lực


Giai đoạn 2012 - 2017, tỉnh đã ưu tiên kinh phí gần 468,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường, trong đó ngân sách tỉnh gần 442,7 tỷ đồng, kinh phí chương trình mục tiêu 25,9 tỷ đồng. Riêng từ năm 2011 - 2013, tỉnh đã lồng ghép các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục, nguồn kiên cố hóa, xây dựng nông thôn mới và ngân sách địa phương để đầu tư 233 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất GDMN, cùng với hơn 29 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhờ đó, mạng lưới trường lớp được xây dựng khang trang, sạch đẹp, bảo đảm việc thu nhận trẻ để thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Năm 2013, Khánh Hòa là 1 trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Đây là tiền đề thuận lợi để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện và duy trì công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi những năm tiếp theo.

 

Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều chế độ, chính sách nhằm duy trì tốt tỷ lệ trẻ ra lớp như: hỗ trợ ăn trưa tại trường cho trẻ dân tộc thiểu số với mức từ 50.000 đồng lên 290.000 đồng/trẻ/tháng; hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí cho trẻ thuộc đối tượng được hưởng chế độ chính sách theo quy định, đồng thời tạo mọi điều kiện để trẻ trong địa bàn được đến trường. Giai đoạn 2012 - 2016, gần 96,7 tỷ tổng đã được chi để thực hiện các chính sách cho trẻ.


Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, một trong những thế mạnh riêng của tỉnh trong công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi là có đội ngũ giáo viên mầm non giỏi, đội ngũ cán bộ quản lý ổn định, có đủ nhân viên y tế học đường. Đội ngũ này được hưởng chế độ, chính sách hợp lý, trong đó có ưu đãi của tỉnh về chế độ tiền lương và bảo hiểm, chế độ trực trưa, dạy thêm giờ... Ngoài ra, việc chuyển đổi 102 trường mầm non dân lập sang công lập từ đầu năm học 2011 - 2012 đã góp phần thực hiện tốt công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi.


Với sự quan tâm, đầu tư đó, đến nay, toàn tỉnh có 140/140 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch.

 

Cô và cháu Trường Mầm non 3-2 (TP. Nha Trang) trong ngày hội đến trường

Cô và cháu Trường Mầm non 3-2 (TP. Nha Trang) trong ngày hội đến trường

 

Duy trì kết quả đạt chuẩn


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Mặc dù kinh phí đầu tư được ưu tiên nhưng một số cơ sở cũ của trường mầm non dân lập trước đây đã bắt đầu xuống cấp. Một số cơ sở GDMN ở các xã còn nhiều điểm nhỏ lẻ, chưa tạo được môi trường ăn, ở, vui chơi, học tập và đảm bảo an toàn cho trẻ như: xã Khánh Hiệp, xã Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh), điểm lẻ của thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh)... Tuy các nhóm lớp mầm non tư thục ngày càng mở rộng, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, nhưng số lượng nhóm chưa được cấp phép nhiều đã ảnh hưởng không ít đến việc điều tra, thống kê và quản lý chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Mặt khác, các đơn vị còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, bố trí giáo viên do đang trong giai đoạn thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDMN công lập.


Theo ông Lê Tuấn Tứ, thời gian tới, ngành sẽ quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDMN; đồng thời xây dựng đề án tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo đủ phòng học để huy động các cháu dưới 5 tuổi ra lớp. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT… Mới đây, tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí khoảng 69 tỷ đồng; phê duyệt Đề án Sữa học đường với kinh phí dự kiến từ năm 2017 - 2020 gần 20,6 tỷ đồng. Sở GD-ĐT cũng đang trình tỉnh Đề án Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện để huy động trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi đến trường (giai đoạn 2017-2020) với tổng kinh phí 312 tỷ đồng... Đây được xem là những giải pháp riêng, có tính đột phá của tỉnh nhằm duy trì, nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi nói riêng và nâng cao chất lượng GDMN nói chung.


H.NGÂN

 

Giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đề ra mục tiêu 140/140 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và giữ vững kết quả phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; duy trì tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99%; 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ chuyên cần từ 95% trở lên; có dưới 5% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi…

______________________________________


Toàn tỉnh hiện có 612 phòng học kiên cố/638 phòng học; 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi được trang bị đủ thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu. Đội ngũ giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi có 1.117 người, đạt tỷ lệ 1,74 giáo viên/lớp. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 88%. 99,3% trẻ 5 tuổi được đến trường. 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN.