01:06, 27/06/2017

Ngày 7/7, thí sinh biết kết quả thi THPT quốc gia

Chậm nhất ngày 6/7 các địa phương phải kết thúc việc chấm thi và gửi kết quả về Bộ Giáo dục để ngày 7/7 công bố.

Chậm nhất ngày 6/7 các địa phương phải kết thúc việc chấm thi và gửi kết quả về Bộ Giáo dục để ngày 7/7 công bố.
 
Theo quy chế, ngay sau khi kết thúc việc thi THPT quốc gia (ngày 24/6), các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì việc chấm thi. Để đảm bảo tính khách quan, thành phần lãnh đạo ban chấm thi, cán bộ chấm, thanh tra, giám sát công tác chấm thi... đều có người của các trường đại học. Cán bộ chấm thi phải đang giảng dạy đúng môn được phân công chấm.
 
Các hội đồng thi sẽ chấm thi tại một khu vực có lực lượng bảo vệ 24/24h. Khu vực này gồm nơi chấm thi, chấm kiểm tra, nơi xử lý bài thi trắc nghiệm và nơi bảo quản bài thi. "Tuyệt đối không được mang các phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của Ban chấm thi khi vào ra khu vực chấm thi", quy chế nêu rõ. 
 
Bài tự luận chấm 2 vòng độc lập
 
Theo quy chế, nhằm đảm bảo tính chính xác của kết quả thi, cán bộ chấm thi lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở 2 phòng riêng. Ở lần chấm thứ nhất, cán bộ chấm thi sẽ bốc thăm túi bài đã được làm phách và phiếu chấm. Trước khi chấm, các bài này được kiểm tra xem có "chữ viết của hai người, viết, vẽ nội dung không liên quan nội dung thi...". Những bài này sẽ bị hủy kết quả.
 
Khi chấm lần thứ nhất, điểm thành phần, điểm toàn bài và nhận xét (nếu có) được ghi vào phiếu chấm của từng bài. Phiếu này ghi rõ họ tên, chữ ký của cán bộ chấm thi. Cán bộ chấm tuyệt đối không ghi gì vào bài làm của thí sinh và túi bài thi. 
 
Ở lần chấm thứ hai, sau khi rút các phiếu chấm thi, cán bộ sẽ tiếp tục bốc thăm túi bài, đảm bảo không giao lại cho chính người đã chấm lần một. Công tác chấm thi được thực hiện như lần đầu. Ít nhất 5% số bài thi đã chấm của môn tự luận sẽ được chấm kiểm tra.
 
Bài tự luận được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25 điểm, không quy tròn điểm. Điểm của bài thi tổ hợp là trung bình cộng điểm của các môn thi thành phần, quy về thang điểm 10 và cũng làm tròn đến 2 chữ số thập phân. 
 
Dùng máy chấm bài trắc nghiệm 
 
Các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ Giáo dục cung cấp. Sau khi quét, phiếu trả lời trắc nghiệm được kiểm dò để đối chiếu và sửa hết các lỗi kỹ thuật (nếu có). Phiếu này cùng phiếu thu bài thi được niêm phong, bảo mật tại Sở Giáo dục.
 
Dữ liệu quét bài trả lời trắc nghiệm của thí sinh được ghi vào 2 đĩa CD giống nhau, một để gửi về Bộ Giáo dục, một để tổ xử lý bài trắc nghiệm địa phương chấm điểm. Tệp dữ liệu xử lý và chấm thi trắc nghiệm được ghi vào 2 đĩa CD có niêm phong. Tất cả quá trình trên đều có sự giám sát của thanh tra và công an.
 
Kết thúc việc chấm thi tất cả môn, Chủ tịch Hội đồng thi sẽ duyệt kết quả thi và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả về Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục) để lưu giữ và đối chiếu. 
 
Ngày 7/7 công bố điểm thi THPT quốc gia
 
Theo lịch kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, chậm nhất đến ngày 6/7 các hội đồng thi phải gửi dữ liệu về Bộ Giáo dục và việc đối sánh kết quả thi phải hoàn thành. Ngày 7/7, các hội đồng thi của 63 tỉnh thành sẽ công bố kết quả. 
 
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được Sở Giáo dục hoàn thành chậm nhất ngày 12/7. Đến hết ngày 17/7, học sinh sẽ nhận được giấy chứng nhận kết quả thi và chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả cùng học bạ, giấy chứng nhận bản chính.
 
Từ ngày 8/7 đến hết ngày 17/7, thí sinh có nguyện vọng phúc khảo kết quả bài thi sẽ tới nơi đã đăng ký dự thi để nộp đơn. Trong 15 ngày kể từ khi hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh. 
 
Theo VnExpress