11:02, 07/02/2017

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thời gian qua đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thời gian qua đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2016, Sở GD-ĐT đã kiện toàn lại tổ chức, cán bộ tham mưu công tác CCHC, làm rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của từng người và từng bộ phận; đồng thời ban hành Quy chế quản lý và thực hiện công tác CCHC. Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc sở cho biết, công tác CCHC được sở chỉ đạo và tổ chức triển khai tới các đơn vị, trường học theo hướng tiếp tục giảm thủ tục, tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức và cá nhân; thực hiện yêu cầu “3 công khai” đối với các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 09/2009 của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, tiếp tục đưa việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào chiều sâu; đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ các tổ chức, công dân.


Thông qua các cuộc họp giao ban tháng, sơ kết học kỳ và tổng kết năm học, hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học, các lớp bồi dưỡng chính trị hè, tập huấn…, Sở GD-ĐT thường xuyên đánh giá công tác CCHC trong ngành và nội bộ cơ quan để có biện pháp cải tiến đạt hiệu quả tốt hơn; đồng thời gắn CCHC với công tác thi đua - khen thưởng của từng đơn vị, trường học. Trong năm 2016, sở đã tiến hành kiểm tra đối với 2 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, 2 phòng GD-ĐT, 11 trường THPT. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị đã thực hiện khá tốt công tác CCHC theo quy định. Phần lớn các thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết trong ngày và hầu hết các ngày trong tuần. Việc soạn thảo và ban hành văn bản hành chính theo Thông tư số 01/2011 của Bộ Nội vụ cơ bản được thực hiện tốt, song vẫn còn một số văn bản trình bày chưa đúng thể thức quy định. Những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị đều được chấn chỉnh kịp thời, đồng thời có biện pháp phúc tra kết quả thực hiện.


Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng được tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng. Các văn bản tham mưu của ngành trình HĐND, UBND tỉnh thông qua trong năm 2016 luôn được Sở GD-ĐT bảo đảm thời gian theo quy định, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Sở cũng tiến hành rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã về lĩnh vực GD-ĐT. Sau khi lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, UBND tỉnh đã ban hành mới TTHC về lĩnh vực GD-ĐT, trong đó, có 41 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GD-ĐT, 36 thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, 5 thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.


Việc đẩy mạnh ứng dụng tin học trong quản lý hành chính và tác nghiệp chuyên môn trong ngành GD-ĐT cho thấy hiệu quả khá rõ về quản lý công văn, quản lý chuyên môn, tổ chức thi cử, nhất là thông báo các thông tin khẩn trong toàn ngành. Nhờ vậy, một số hoạt động đòi hỏi thời gian gấp rút vẫn có thể thực hiện kịp thời. Trang thông tin điện tử của ngành đã phát huy tác dụng khá tốt và đang tiếp tục được cải tiến, nâng cấp để đạt hiệu quả hơn. Cùng với đó, thực hiện đề án một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại cơ quan sở, toàn bộ hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa đều được giải quyết theo phần mềm đã được trang bị. Năm 2016, Sở GD-ĐT tiếp nhận 224 hồ sơ, trong đó có 162 hồ sơ (72,32%) giải quyết trước hạn, 60 hồ sơ (26,79%) giải quyết đúng hạn, 2 hồ sơ (0,89%) giải quyết trễ hạn…


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn khó khăn và hạn chế nhất định, đòi hỏi ngành GD-ĐT phải tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí; coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm hơn nữa trong tiến trình CCHC nói chung và đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhân dân nói riêng. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện các công việc giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại; triển khai thực hiện các TTHC mức độ 3; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao hiệu lực chỉ đạo và chất lượng công tác, đảm bảo tính khoa học, kịp thời và minh bạch trong các hoạt động quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế khoán đạt hiệu quả tốt hơn, trong đó đảm bảo có phần tiết kiệm để tăng thu nhập chính đáng cho cán bộ, công chức. Đồng thời, tiếp tục triển khai và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý giáo dục nhằm đem lại hiệu quả sâu rộng, vững chắc và toàn diện.


T.V