06:02, 10/02/2017

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng

Để xây dựng một xã hội học tập, đưa tinh thần học tập suốt đời tới tầng lớp nhân dân, việc phát triển văn hóa đọc có vai trò rất quan trọng. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, văn hóa đọc đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức…

Để xây dựng một xã hội học tập, đưa tinh thần học tập suốt đời tới tầng lớp nhân dân, việc phát triển văn hóa đọc có vai trò rất quan trọng. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, văn hóa đọc đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức…


Nỗ lực thúc đẩy văn hóa đọc


Ông Nguyễn Tá - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, có một thời gian (khoảng từ năm 2005 đến 2010), lượng độc giả đến với Thư viện tỉnh giảm sút đáng kể, trung bình từ 100.000 lượt/năm giảm còn 70.000 lượt/năm. Một trong những nguyên nhân chính là do sự phát triển của các phương tiện truyền thông, khiến nhiều người không còn mặn mà với sách. Vài năm trở lại đây, thông qua một dự án nâng cao khả năng sử dụng máy vi tính và truy cập Internet, Thư viện tỉnh mở 1 phòng đa phương tiện để độc giả tra cứu thông tin. Cùng với việc lắp đặt mạng wifi, thiết lập tra cứu đầu sách trên máy tính, tổ chức kho sách mở để độc giả được tự do vào chọn sách đọc theo ý muốn, cải tiến phòng đọc thiếu nhi, tạo không gian thoải mái cho bạn đọc cũng như cải tiến cung cách phục vụ ân cần, chu đáo hơn… nên số lượng người đến với thư viện đã tăng trở lại, trung bình từ 140.000 lượt/năm.

 

Hội sách tại Trường Đại học Nha Trang
Hội sách tại Trường Đại học Nha Trang


Ngành giáo dục cũng có nhiều hoạt động đổi mới hoạt động thư viện trường học, thúc đẩy việc đọc sách, chỉ đạo các nhà trường xây dựng các mô hình: “thư viện mở”, “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, đặc biệt là khai thác lợi ích của Internet để phát triển văn hóa đọc. Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khánh Hòa đã phối hợp với các đơn vị tổ chức phong trào giảng viên, sinh viên tặng sách cho tân sinh viên; đóng góp xây dựng tủ sách lưu động trong sinh viên; tổ chức tọa đàm hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tra cứu thông tin. Nhà trường còn nâng cấp hệ thống wifi miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy, học tập trực tuyến, truy cập các trang thông tin và thư viện điện tử.


Thư viện Trường Đại học Nha Trang cũng xây dựng không gian đọc sách thân thiện hơn cho độc giả; hàng năm phối hợp với các đơn vị phát hành sách tổ chức hội sách, tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên tham quan nhiều loại giáo trình, sách tham khảo, tài liệu học tập, nghiên cứu nhiều lĩnh vực và mua sách với mức giá ưu đãi. Nhà trường còn phát động chương trình tặng sách vào tủ sách giao lưu để làm phong phú thêm nguồn tài liệu của thư viện…


Để nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, các đơn vị như: hội khuyến học các cấp, trung tâm học tập cộng đồng… ở các địa phương còn triển khai một số hoạt động nhằm hướng dẫn người dân cách sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử để truy cập Internet và tìm đọc những thông tin hữu ích về khoa học kỹ thuật, lao động sản xuất và đời sống…


Cần thêm nhiều hoạt động thiết thực


Theo ông Nguyễn Tá, các hoạt động hưởng ứng đọc sách nói riêng và phong trào xây dựng xã hội học tập nói chung tuy đã được một số kết quả tích cực, song chưa phát triển đồng đều, chưa phát huy được các nguồn lực để duy trì và tổ chức tốt các hoạt động một cách đồng bộ, thường xuyên. Vẫn có những nơi triển khai một số hoạt động mang tính hình thức, chưa thật sự hiệu quả. Do đó, việc tổ chức các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc nên tập trung nhiều hơn ở cơ sở, các trường học với những hoạt động thường xuyên và thiết thực hơn nữa.


Ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần quan tâm đổi mới hoạt động thư viện các cấp, trong đó có thư viện trường học theo hướng xây dựng thư viện thân thiện, xây dựng tủ sách lớp học, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Văn hóa trong việc luân chuyển sách từ thư viện cấp tỉnh, cấp huyện về thư viện các trường học… Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; tạo điều kiện để thư viện các cấp, các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và tổ chức các nguồn tài nguyên điện tử hữu ích (sách, báo điện tử, trang web) để phục vụ hiệu quả nhu cầu khai thác thông tin của nhà trường. Ngoài ra, cần mở các lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc cho học sinh, sinh viên và người dân; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các cộng đồng, câu lạc bộ đọc sách online. Các ngành chức năng cũng cần thường xuyên phối hợp với các công ty sách, thư viện... tổ chức hội chợ sách, ngày hội đọc sách nhằm giới thiệu, quảng bá về sách và có những đợt khuyến mãi để khuyến khích người dân, học sinh, sinh viên mua sách…


T.V