10:12, 08/12/2016

Dạy và học tiếng Anh: Cần giải pháp đột phá

Tuy đã có nhiều nỗ lực, song việc cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn và còn nhiều vướng mắc.

Tuy đã có nhiều nỗ lực, song việc cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn và còn nhiều vướng mắc.


Còn bất cập


Tuy tiếng Anh là môn học quan trọng, được triển khai tại hơn 300 trường từ cấp tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh, song chất lượng học đại trà môn này còn thấp. Tình trạng học sinh (HS) không nắm được những kiến thức căn bản, không thể giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh rất phổ biến. Con số khoảng 90% HS của tỉnh có điểm thi môn này dưới trung bình trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016 là một minh chứng cho thực trạng này.

 

Thi học sinh giỏi môn tiếng Anh
Thi học sinh giỏi môn tiếng Anh


Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện nay, việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông chủ yếu bổ sung kiến thức để HS đi thi chứ chưa chú trọng tới việc dạy kỹ năng, nhất là kỹ năng nghe, nói. Nhiều giáo viên (GV) chưa thể hiện sự linh hoạt trong việc ứng dụng Internet để nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, phần lớn HS không có thời gian tự rèn luyện thêm, cũng như không thấy được sự hứng thú trong việc học ngoại ngữ. Mặt khác, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học tiếng Anh còn nhiều bất cập như: thiếu phòng học, chưa đủ điều kiện về phòng thí nghiệm - thực hành, phòng học bộ môn, thư viện... HS ở nông thôn cũng không có nhiều điều kiện tiếp cận với sách tham khảo, các phần mềm học tiếng Anh hay học online…


Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, từ năm 2012, khi Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá và bồi dưỡng nâng bậc cho GV tiếng Anh các cấp theo khung chuẩn năng lực ngôn ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành. Đồng thời, triển khai thí điểm dạy tiếng Anh theo chương trình mới của đề án tại các trường tiểu học, THCS, THPT. Các trường cũng từng bước đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá HS đối với bộ môn tiếng Anh… Tuy đã có nhiều tín hiệu khởi sắc song tình trạng dạy và học tiếng Anh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.


Triển khai đồng bộ các giải pháp


Vừa qua, tại hội nghị chuyên môn bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, để giải quyết bài toán này, trước hết phải tăng cường chỉ đạo hoạt động dạy và học, tổ chức tốt nội dung sinh hoạt chuyên môn và các hoạt động chuyên môn như: hội thảo, thao giảng rút kinh nghiệm dạy học, hội giảng GV giỏi ở các đơn vị cơ sở, huyện và tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức thi HS giỏi cấp trường ở các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 12 làm cơ sở cho tuyển chọn, bồi dưỡng HS giỏi dự thi cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Ngoài ra, cần quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: câu lạc bộ ngoại ngữ, đố vui, kể chuyện bằng tiếng Anh…, vừa tạo điều kiện cho HS có cơ hội giao tiếp, vừa tạo cho các em hứng thú học ngoại ngữ; tăng cường củng cố ngữ pháp cho HS qua các tiết tự chọn hay giờ phụ đạo.

 

Học sinh tham dự kỳ thi vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2015 - 2016
Học sinh tham dự kỳ thi vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2015 - 2016


Sở GD-ĐT cũng yêu cầu, căn cứ hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng tiếng Anh, các tổ bộ môn ở các trường cần rà soát lại sách giáo khoa, làm tinh gọn các nội dung để giảm quá tải bài, soạn lại nội dung giảng dạy thống nhất trong tổ trước khi đưa vào giảng dạy. Hiện nay, việc Bộ GD-ĐT đưa ra chuẩn kiến thức đã tạo thuận lợi cho GV trong việc soạn giảng. Song GV vẫn có xu hướng bám sát sách giáo khoa bởi không phải đầu tư nhiều. Do đó, sự năng động, tích cực của GV là một trong những yếu tố quan trọng của việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Bên cạnh đó, GV cũng cần tăng cường việc tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cũng như chuẩn nghề nghiệp GV tiếng Anh THCS và THPT.


Việc cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông đòi hỏi một quá trình đổi mới, đầu tư liên tục. Ngành GD tỉnh đã xác định, từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng quy mô, đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy một cách có hệ thống từ cấp tiểu học đến THPT, kết hợp nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ; nâng cao trình độ ngôn ngữ và năng lực thực hành các kỹ năng giao tiếp cơ bản của người học theo các quy chuẩn khung năng lực ngôn ngữ áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh việc bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông, ngành cũng đã đề ra những giải pháp đảm bảo đội ngũ GV được bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, kỹ năng sư phạm, kỹ thuật sử dụng các trang thiết bị hiện đại cho dạy và học ngoại ngữ. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ thông qua việc khuyến khích các chương trình trao đổi GV, tạo điều kiện cho GV bản ngữ tham gia quá trình dạy học ngoại ngữ trong một số trường phổ thông; tạo cơ chế cho trường chuyên có chương trình ngoại ngữ tăng cường, chương trình song ngữ... Cùng với đó là việc tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đến năm 2020 có 100% trường tiểu học, THCS, THPT đều có phòng học tiếng nước ngoài, 25% trường THCS và 100% trường THPT có phòng học ngoại ngữ đạt chuẩn... Chỉ khi nào triển khai được các giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện và có tính đột phá thì chất lượng dạy và học tiếng Anh mới được nâng cao và từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập.


T.V