07:12, 16/12/2016

Cần nâng cao hiệu quả hoạt động

Việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp cấp huyện trên địa bàn tỉnh được triển khai từ tháng 7-2015. Đây là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, song thời gian qua, việc thực hiện các nhiệm vụ còn bất cập.

Việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp cấp huyện trên địa bàn tỉnh được triển khai từ tháng 7-2015. Đây là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, song thời gian qua, việc thực hiện các nhiệm vụ còn bất cập.


Chưa đáp ứng yêu cầu


Trước khi sáp nhập, trên địa bàn tỉnh có 8 trung tâm GDTX cấp huyện và 4 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở TP. Cam Ranh, TP. Nha Trang, huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa. Nhằm tinh giản bộ máy hành chính, tránh lãng phí nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động, từ tháng 7-2015, các trung tâm trên được sáp nhập và đổi tên thành trung tâm GDTX- hướng nghiệp (GDTX-HN) của 8 huyện, thị xã, thành phố.

 

Thi nghề Tin học tại một trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp
Thi nghề Tin học tại một trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp


Tuy nhiên, sau hơn 1 năm sáp nhập, hoạt động của các trung tâm GDTX-HN chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định. Theo ông Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng GDTX - Chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hầu hết các trung tâm mới chú trọng tới mảng dạy nghề phổ thông, dạy hướng nghiệp cho học sinh (HS) phổ thông và GDTX, dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT. Chỉ có một số trung tâm có dạy ngoại ngữ, tin học dành cho HS của trung tâm; Trung tâm GDTX-HN Cam Lâm có tổ chức liên kết đào tạo trình độ trung cấp; Trung tâm GDTX-HN Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có tổ chức dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại địa phương; Trung tâm GDTX-HN Vạn Ninh bước đầu liên kết với Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh để tổ chức một số lớp dạy nghề cho HS mà trung tâm chưa đủ điều kiện về trang thiết bị… Các nhiệm vụ còn lại chưa được thực hiện hiệu quả.


Tăng cường liên kết  và xã hội hóa


Ông Trần Ngọc Anh nhận định, hoạt động của các trung tâm GDTX-HN hiện nay còn hạn chế cả về con người và phương tiện. Nhìn chung, đội ngũ lãnh đạo các trung tâm này chưa năng động, nhạy bén trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các đơn vị thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để tổ chức dạy nghề cho nhiều đối tượng người học; thiếu máy tính, phương tiện để dạy tiếng Anh thực hành theo chương trình GDTX…


Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trung tâm GDTX-HN trong thời gian tới, cần tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng phát triển bền vững. Giải pháp trước tiên và quan trọng nhất là phải nâng cao trách nhiệm, ý thức và sự năng động của giám đốc các trung tâm, từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Giám đốc phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo, các tổ trưởng, giáo viên để chịu trách nhiệm từng lĩnh vực phụ trách theo yêu cầu quy định.


Đối với những lĩnh vực hoạt động mà các trung tâm GDTX-HN không đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sở yêu cầu các đơn vị cần thực hiện việc liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, doanh nghiệp để triển khai hiệu quả việc dạy ngoại ngữ, dạy nghề xã hội, GD kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp để tìm việc làm cho HS có nhu cầu làm thêm hoặc đưa HS đến doanh nghiệp thực hành, thực tập để HS học xong chương trình và đủ độ tuổi lao động thì có thể có việc làm ngay. Ngoài ra, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong việc đề ra chính sách, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các trung tâm GDTX-HN phát triển.


H. NGÂN

 


 

Nhiệm vụ của các trung tâm GDTX-HN theo quy định là: tổ chức các chương trình GD gồm: xóa mù chữ và GD tiếp tục sau khi biết chữ; GD đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện chương trình GDTX cấp THCS và THPT. Bên cạnh đó, điều tra nhu cầu học tập, đề xuất với Sở GD-ĐT, chính quyền địa phương việc tổ chức các chương trình và hình thức học phù hợp với từng đối tượng; dạy công nghệ, kỹ thuật, dạy nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp cho HS học chương trình GD phổ thông; tổ chức lao động sản xuất và dịch vụ kỹ thuật phục vụ GD-ĐT, góp phần phân luồng HS sau THCS và THPT; liên kết với các cơ sở GD trong hệ thống GD quốc dân để đào tạo và tư vấn hướng nghiệp cho HS, thanh thiếu niên và các đối tượng khác…