11:10, 14/10/2016

Cần có trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia

Từ năm 2008, Việt Nam đã có đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 (gọi tắt là đề án ngoại ngữ 2020). Nhưng dù đã đi được nửa chặng đường nhưng kết quả, chất lượng đào tạo vẫn không được như mong đợi…

Từ năm 2008, Việt Nam đã có đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 (gọi tắt là đề án ngoại ngữ 2020). Nhưng dù đã đi được nửa chặng đường nhưng kết quả, chất lượng đào tạo vẫn không được như mong đợi…

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị quốc tế về khảo thí ngoại ngữ New Directions tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị quốc tế về khảo thí ngoại ngữ New Directions tại Việt Nam.
Học và thi phải độc lập
 
Hôm qua, 13/10, tại Hà Nội, Hội đồng Anh đã tổ chức hội nghị quốc tế về khảo thí ngoại ngữ New Directions tại Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của rất nhiều các chuyên gia về ngoại ngữ trong nước và quốc tế. Bên lề hội nghị, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc trung tâm Khảo thí trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết từ năm 2014 bắt đầu có khung đánh giá năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam. “Đó là khung tham chiếu châu Âu dành cho ngôn ngữ. Vì vậy đây cũng là bước cơ sở đầu tiên mà chúng ta dần đạt tới được khảo thí chất lượng quốc tế” - bà Ngọc Quỳnh khẳng định.
 
Hiện cả nước có 10 trung tâm được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung 6 bậc châu Âu, tuy nhiên cũng đang có rất nhiều vấn đề nảy sinh.
 
Trước câu hỏi của báo chí có cần phải có một quy định về cơ chế hoạt động của các trường ĐH được phép đánh giá năng lực ngoại ngữ?  Bà Quỳnh khẳng định hiện nay, các đơn vị chưa đảm bảo hiệu quả như mong đợi về hoạt động khảo thí.
 
Để giải quyết sự lộn xộn hiện nay trong cấp chứng chỉ ngoại ngữ, bà Quỳnh cho rằng cần thiết phải tách độc lập giữa đơn vị khảo thí (tổ chức thi đánh giá) và đơn vị tổ chức ôn luyện.
 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng thực trạng học ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam là học từ vựng, ngữ pháp tốt nhưng kỹ năng giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài vẫn khó khăn. Trong thời gian tới, Bộ sẽ có chủ trương khuyến khích các trường tăng cường kỹ năng ngoại ngữ thực tế hơn, nói, nghe, giao tiếp.
 
Ông Ga cho biết thêm hiện Bộ đang tiếp cận với xu hướng thế giới. “Lâu nay chúng ta đánh giá theo truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, giờ phải theo chuẩn quốc tế vì ngoại ngữ không chỉ dùng ở trong nước  mà mục đích là giao thương, hội nhập với nước ngoài. Bằng cấp về ngoại ngữ của chúng ta phải được nước ngoài công nhận” - ông Ga khẳng định.
 
Để giải quyết bài toán này, thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay chúng ta đã có những bài đánh giá A, B, C, D, nhưng làm sao để bài đánh giá đó tương thích với thế giới, làm sao chứng chỉ chúng ta cấp cho người học cũng được thế giới công nhận. Do đó, phải có sự hợp tác nhất định và Hội đồng Anh đang giúp chúng ta xây dựng trung tâm này.
 
Theo Tiền phong