09:08, 03/08/2016

Một số vấn đề cần lưu ý

Trong những ngày đầu tiến hành đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng, đa số thí sinh còn khá thận trọng trong việc nộp hồ sơ.

Trong những ngày đầu tiến hành đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), đa số thí sinh (TS) còn khá thận trọng trong việc nộp hồ sơ.


Lưu ý mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển


Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) ĐH năm 2016, các trường ĐH đã thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

 

Tìm hiểu các thông tin tuyển sinh
Tìm hiểu các thông tin tuyển sinh


Trường ĐH Nha Trang cho biết, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã họp và thống nhất 30 ngành ĐH của trường đều có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm, bằng với mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Đối với bậc CĐ, mức điểm nhận hồ sơ là 10 điểm. Đây là tổng điểm ba môn thi trong tổ hợp xét tuyển, trong đó không có môn thi nào có điểm từ 1 trở xuống. Đồng thời, để thu hút TS tham gia xét tuyển vào các ngành truyền thống gồm: Khai thác thủy sản, Công nghệ chế biến thủy sản, Nuôi trồng thủy sản, Bệnh học thủy sản, Quản lý nguồn lợi thủy sản, Kinh tế nông nghiệp, nhà trường cũng đưa ra một số chính sách ưu tiên. Theo đó, sinh viên học các ngành trên được miễn phí chỗ ở ký túc xá, được nhà trường cấp học bổng cho 10 sinh viên nhập học có điểm cao nhất của mỗi ngành (1 triệu đồng/suất).


Trường ĐH Khánh Hòa cũng có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với 6 ngành ĐH là 15 điểm, bậc CĐ là tốt nghiệp THPT. Đối với Trường ĐH Thái Bình Dương, ngoài phương án xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia với điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển bằng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT, trường còn xét tuyển dựa vào học bạ THPT…


Tuy có rất nhiều trường công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH bằng với ngưỡng điểm sàn của Bộ GD-ĐT, song TS cần lưu ý, đây mới chỉ là mức điểm nhằm đảm bảo an toàn cho các trường trong nguồn tuyển. Còn sự chênh lệch giữa mức điểm nhận hồ sơ và điểm chuẩn còn tùy thuộc vào từng trường và từng ngành. Tiến sĩ Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang cho biết, có những TS lầm tưởng mức điểm nhận hồ sơ cũng là điểm trúng tuyển vào trường nên đã nộp hồ sơ rất sớm với hy vọng càng nộp sớm thì cơ hội trúng tuyển càng cao. Trong khi thực tế, Bộ GD-ĐT quy định rõ, thời gian xét tuyển đợt 1 kéo dài từ ngày 1 đến 12-8. Kết thúc khoảng thời gian này, dựa trên số lượng hồ sơ, các trường mới tiến hành xét tuyển từ trên xuống dưới đến khi đủ chỉ tiêu. Đồng nghĩa với việc điểm chuẩn của nhà trường sẽ được quyết định bởi số lượng hồ sơ nộp vào. Do đó, TS cần tìm hiểu kỹ mức điểm nhận hồ sơ và chỉ tiêu các ngành nghề đã được các trường công bố. “Mức điểm chuẩn của các trường ĐH, CĐ năm 2015 được xem là một ngưỡng có giá trị thông tin rất quan trọng đối với TS đăng ký xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2016. Theo đó, TS có thể lượng sức và xem xét được khả năng trúng tuyển của mình”, Tiến sĩ Hùng nói.


Cân nhắc kỹ


Ghi nhận trong 2 ngày đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, nhiều trường cho biết, đa số TS còn khá thận trọng và nghe ngóng thông tin từ nhiều phía. Tiến sĩ Phan Phiến - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khánh Hòa cho biết, do năm nay TS không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển nên các em cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nộp hồ sơ. Dự kiến, số lượng hồ sơ sẽ tăng nhiều trong những ngày cuối của đợt xét tuyển. Hiện nay, nhiều TS đến các trường để được tư vấn về việc chọn trường, chọn ngành học. Bên cạnh đó, vẫn có một số TS chưa nắm rõ các quy trình và quy định về xét tuyển.

 

Đại diện cụm thi ĐH do Trường ĐH Nha Trang chủ trì nhận định, phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay tương đồng với năm 2015. Dựa trên phổ điểm tại 2 cụm thi THPT quốc gia năm 2016 trên địa bàn tỉnh cũng như phổ điểm thi của một số tỉnh, thành lân cận và phổ điểm cả nước do Bộ GD-ĐT công bố, dự kiến sẽ có khoảng 65 - 70% TS của Khánh Hòa trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh trước nên năm nay Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp kỹ thuật để việc nộp hồ sơ được thuận lợi, không để xảy ra tình trạng rút - nộp hồ sơ liên tục gây hỗn loạn tuyển sinh. Cụ thể, ngoài việc nộp hồ sơ trực tiếp, TS có thể nộp qua bưu điện, hoặc đăng ký xét tuyển trực tuyến. Thời gian đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ kết thúc vào ngày 11-8, sớm trước 1 ngày so với quy định để những TS không đăng ký được bằng hình thức trực tuyến sẽ đăng ký bằng cách gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc đến trường để nộp. Đồng thời, bộ cho phép trong đợt 1, mỗi TS được đăng ký xét tuyển tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển. Ngoài đợt xét tuyển đầu tiên, còn có 3 đợt xét tuyển bổ sung nên về lý thuyết TS sẽ có rất nhiều cơ hội vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Doãn Hùng, đối với 1 hình thức xét tuyển mới thì sẽ có nhiều trường chọn giải pháp làm thế nào để vừa đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1. Do đó, TS phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn các nguyện vọng để tìm kiếm cơ hội trúng tuyển. Thực tế, đã có những trường hợp TS có điểm cao nhưng không tìm hiểu kỹ phương thức xét tuyển ở các trường nên đã đánh mất cơ hội trúng tuyển vào trường có chất lượng và phải vất vả tìm cơ hội trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.


H.NGÂN