01:08, 04/08/2016

Cơ hội mới, lựa chọn mới

Trong các ngành đào tạo đại học tuyển sinh từ năm học 2016-2017, Trường Đại học Khánh Hòa tuyển sinh ngành Việt Nam học theo hướng khoa học liên ngành.

Trong các ngành đào tạo đại học tuyển sinh từ năm học 2016-2017, Trường Đại học Khánh Hòa tuyển sinh ngành Việt Nam học theo hướng khoa học liên ngành. Đây là cơ hội học tập, cơ hội lựa chọn nghề nghiệp mới cho các thí sinh ở Khánh Hòa và các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.


Nhu cầu từ thực tế khách quan


Hiện nay, ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chỉ có 3 trường đào tạo ngành Việt Nam học: Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Phú Yên. Thực tế này khó lòng đáp ứng đủ nhân lực đầu ra đối với yêu cầu lao động có chuyên môn sâu.


Có một thực tế khác là hầu hết các trường đại học đã và đang đào tạo chuyên ngành Việt Nam học trong cả nước nói chung và khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng đều hướng đến sản phẩm đầu ra là nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Do vậy, các trường trên đều xây dựng chương trình ngành này theo hướng Văn hóa du lịch (tên ngành được ghi trên bằng là: Văn hóa du lịch). Đây là một xu thế tất yếu do sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp không khói này. Hệ quả là nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu và quản lý văn hóa – xã hội được đào tạo đại học ngày càng thiếu hụt.


Xuất phát từ nhu cầu đào tạo của đất nước và thực tế đào tạo ở các trường đại học, Trường Đại học Khánh Hòa chọn hướng đi mới trong mục tiêu đào tạo ngành này. Theo đó, Việt Nam học hệ đại học ở Trường Đại học Khánh Hòa được đào tạo theo hướng khoa học liên ngành, nghiên cứu toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trên cơ sở đi từ cái cụ thể đến việc tìm ra những quy luật vận động chung trong sự hình thành, phát triển bản sắc của con người và đất nước Việt Nam.


Mục tiêu đào tạo mới


Lựa chọn hướng đi mới cho ngành Việt Nam học, Trường Đại học Khánh Hòa cũng tích hợp và bổ sung kiến thức để mở rộng chuẩn đầu ra, từ đó mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, bên cạnh các kiến thức Việt Nam học với tư cách khoa học liên ngành, nhà trường thiết kế modul kiến thức về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch để sinh viên ra trường có thể đảm nhận thêm công việc của một hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa. Từ đó, nhà trường đặt ra mục tiêu đào tạo của ngành Việt Nam học là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về Việt Nam học. Cụ thể, có trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực tiếng Việt, văn hoá Việt Nam, văn học Việt Nam, địa lý và địa lý du lịch Việt Nam, lịch sử Việt Nam và một số kiến thức về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Ngoài năng lực chung của một sinh viên tốt nghiệp hệ đại học, sinh viên chuyên ngành Việt Nam học phải đạt được các năng lực: Năng lực nghiên cứu, phân tích các kiến thức thuộc lĩnh vực Việt Nam học trên cơ sở vận dụng tổng hợp tri thức khoa học liên ngành như: văn hoá, ngôn ngữ, văn học, địa lý, lịch sử, du lịch; năng lực vận dụng những kiến thức Việt Nam học vào các vị trí công việc chuyên môn cụ thể; năng lực giảng dạy một số nội dung thuộc chuyên ngành Việt Nam học; năng lực thực hiện các nghiệp vụ hướng dẫn du lịch về văn hóa như: thuyết minh tại điểm, thuyết minh các loại hình du lịch văn hoá.


Cơ hội việc làm mới


Từ việc tiếp cận mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra chuyên ngành như trên, sinh viên tốt nghiệp cử nhân Việt Nam học có thể làm việc trong các trung tâm nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học; các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội về văn hoá, giáo dục như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thị, cán bộ phụ trách văn hóa xã hội các xã, phường, thị trấn; các cơ sở giảng dạy tiếng Việt; các hoạt động nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa ở trong và ngoài nước; có đủ khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên môn ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các chuyên ngành: Việt Nam học, Văn hóa học, Đông phương học…


Trong các vị trí việc làm trên đây, chỉ tính về vị trí cán bộ phụ trách văn hóa xã hội các xã, phường, thị trấn, đã thấy được cơ hội việc làm rộng mở đối với hướng đào tạo này. Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, mỗi xã, phường, thị trấn được biên chế 2 cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội. Làm phép toán đơn giản, chúng ta có thể nhân với số lượng xã, phường, thị trấn ở các tỉnh để thấy được nhu cầu về nguồn nhân lực này. Trong khi chúng ta đang xây dựng nông thôn mới, nhu cầu nguồn nhân lực làm công tác văn hóa – xã hội được đào tạo chính quy, bài bản, hơn bao giờ hết, càng trở nên cần thiết.


Việt Nam học được đào tạo theo hướng khoa học liên ngành, sẽ là cơ hội học tập, cơ hội lựa chọn nghề nghiệp mới với nhiều triển vọng cho người học trong hiện tại cũng như trong tương lai.


TS. Trần Viết Thiện

Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khánh Hòa.