06:01, 25/01/2016

Nhân rộng các mô hình học tập

Qua 1 năm thực hiện Đề án 281 của Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", phong trào học tập trên địa bàn tỉnh đã phát triển sâu rộng hơn với nhiều mô hình học tập hiệu quả.

Qua 1 năm thực hiện Đề án 281 của Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, phong trào học tập trên địa bàn tỉnh đã phát triển sâu rộng hơn với nhiều mô hình học tập hiệu quả.

Những mô hình học tập tiêu biểu


Trong số 130 dòng họ trên địa bàn tỉnh được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập” năm 2015, dòng họ Đỗ Việt Nam khu vực Khánh Hòa là một điển hình tiêu biểu. Phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ Đỗ, từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, Ban Khuyến học họ Đỗ Việt Nam khu vực Khánh Hòa đã tích cực vận động các gia đình quan tâm, chăm lo việc học tập của con cháu và có nhiều hình thức khuyến khích, giúp đỡ cho con cháu các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Ông Đỗ Phi Phong, Trưởng Ban Khuyến học của dòng họ này cho biết, việc xây dựng “Dòng họ học tập”, “Gia đình học tập” của dòng họ luôn gắn với xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo các tiêu chí gia đình văn hóa, không có con em tham gia vào các tệ nạn xã hội, bỏ học… Bên cạnh đó, các ban khuyến học của dòng họ, chi họ đã tích cực xây dựng quỹ khuyến học để khen thưởng cho các học sinh có thành tích học tập tốt. Riêng năm 2015, các chi họ, gia đình… đã vận động được gần 10 triệu đồng để trao thưởng cho học sinh giỏi, thủ khoa đại học, cao đẳng…

 

Các đơn vị có thành tích trong phong trào học tập suốt đời năm 2015 nhận bằng khen của UBND tỉnh
Các đơn vị có thành tích trong phong trào học tập suốt đời năm 2015 nhận bằng khen của UBND tỉnh


Được các cấp hội khuyến học đánh giá cao trong công tác xây dựng “Đơn vị học tập”, Trường Đại học Nha Trang đã có nhiều chính sách động viên và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên… tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tính đến năm 2015, nhà trường có 9 Phó Giáo sư, gần 120 tiến sĩ, gần 350 thạc sĩ. Trong đó, đa số cán bộ, viên chức có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo tại các nước phát triển như: Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ... Hiện nay, 137 cán bộ đang tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Đối với sinh viên, nhà trường tổ chức nhiều lớp đào tạo kỹ năng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; các khoa, viện tổ chức các hội nghị sinh viên học tập tốt, rèn luyện tốt theo chuyên ngành… Ông Tống Văn Toản, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Trường Đại học Nha Trang cho biết, nhằm giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo hiếu học, trường duy trì và phát triển quỹ học bổng thông qua sự đóng góp của các cán bộ, viên chức, cựu sinh viên, doanh nghiệp... Năm 2015, có hàng ngàn lượt sinh viên của trường đã được nhận học bổng, trợ cấp với số tiền gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ số tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, nhiều sinh viên thuộc diện gia đình chính sách đã có điều kiện tiếp tục học tập, theo đuổi ước mơ.


Tiếp tục nhân rộng

 

Năm 2015, toàn tỉnh có 142.278/159.954 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; có 130/130 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 642/701 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 625/705 cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”…

Ông Nguyễn Việt Dân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, thực hiện Đề án 281 của Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, tỉnh đã chọn các địa phương thực hiện chỉ đạo điểm là TP. Nha Trang và 10 xã, phường, thị trấn thuộc thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh, huyện đảo Trường Sa và các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. 1 năm qua, công tác chỉ đạo điểm được thực hiện đúng tiến độ và đạt kết quả tích cực. Nhân dân ở các thôn, tổ dân phố, cán bộ, công nhân viên chức, giáo viên, chiến sĩ trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang… đã từng bước nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời và phấn đấu xây dựng đạt danh hiệu: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án 281 vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức nên việc triển khai thực hiện đề án còn chậm, việc đánh giá công nhận các danh hiệu chưa thực hiện đúng theo kế hoạch… Để đề án được triển khai rộng khắp và hiệu quả hơn nữa, Hội Khuyến học đã đề nghị đưa tiêu chuẩn đạt “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” vào việc xét công nhận gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa và xét thi đua cuối năm của các đơn vị. Đồng thời, đổi mới hình thức tuyên truyền về xây dựng các mô hình học tập, trong đó chú trọng tới hình thức tuyên truyền trực tiếp như: nói chuyện chuyên đề, tư vấn cộng đồng, hội thi, tọa đàm… Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu và các cán bộ có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, đặc biệt là cán bộ ở các thôn, tổ dân phố…


H.NGÂN