12:08, 21/08/2014

Tiếp tục đổi mới quản lý và phương pháp giáo dục

Hôm nay (21-8), Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo xung quanh những vấn đề trên.

Hôm nay (21-8), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh những vấn đề trên.


- Nhìn lại năm học 2013 - 2014, kết quả nổi bật nhất mà ngành GD-ĐT đạt được là gì, thưa ông?

 


- Năm học 2013 - 2014, với nỗ lực chung của toàn ngành, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp của các lực lượng xã hội, ngành GD-ĐT vẫn giữ vững và phát huy tốt những kết quả đã đạt được trong các năm học trước. Quy mô phát triển của các cấp học, ngành học tiếp tục ổn định và đúng hướng. Công tác phổ cập GD các cấp được duy trì, củng cố và phát triển tốt. Chất lượng GD tiếp tục được nâng lên, GD miền núi và các vùng dân tộc thiểu số đã có những tiến bộ nhất định... Trong những thành quả đó, nổi bật là việc Bộ GD-ĐT đã kiểm tra và quyết định công nhận tỉnh Khánh Hòa đạt chuẩn phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Và Khánh Hòa là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành công tác khó khăn này.


- Bên cạnh những mặt tích cực thì năm học vừa qua ngành GD cũng có những vấn đề như học sinh đánh nhau, học sinh mẫu giáo bị tai nạn, tình trạng lạm thu… ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành. Theo ông, đó có phải do công tác quản lý GD chưa nghiêm cũng như đạo đức của một bộ phận cán bộ, giáo viên đang đi xuống?


- Thời gian qua, ngành GD đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, củng cố kỷ cương, nề nếp làm việc; GD đạo đức cho cán bộ, giáo viên thông qua Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, quản lý một lĩnh vực rộng, khá nhạy cảm trong đời sống xã hội, liên quan đến tất cả mọi người, cho nên dù đã cố gắng hết sức, việc xảy ra những thiếu sót, sơ suất là điều khó tránh khỏi. Để xảy ra những việc ngoài ý muốn như thế, xét về mặt quản lý, ngành GD phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, xã hội.


Những vấn đề dư luận quan tâm trước đây và có những nhận định ảnh hưởng đến uy tín của ngành đã được Sở GD-ĐT chỉ đạo giải quyết. Tình trạng nhũng nhiễu trong các lĩnh vực nhạy cảm như thuyên chuyển, tuyển dụng, tuyển sinh đầu cấp, lạm thu, đồng phục học sinh... đã được đấu tranh khắc phục và đẩy lùi. Hiện nay, các lĩnh vực này đều được công khai, dân chủ và từng bước lấy lại lòng tin của xã hội. Tuy nhiên, việc này vẫn còn xuất hiện rải rác ở một số cơ sở trường học, một phần nguyên nhân do chủ quan của ngành trong công tác quản lý, chỉ đạo; một phần do ý thức trách nhiệm của những cá nhân được giao phó trách nhiệm quản lý các cơ sở GD. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý GD và các thầy cô giáo trong toàn ngành.


- Tuy Khánh Hòa đã vươn lên vị trí thứ 8 toàn quốc về điểm thi đại học năm 2014 nhưng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lại tụt hạng trong bảng xếp hạng 200 trường có điểm thi đại học cao nhất toàn quốc và không có học sinh đỗ thủ khoa. Phải chăng chất lượng trường chuyên đang đi xuống và thiếu sự đầu tư của ngành, thưa ông?


- Trước hết phải khẳng định, để có vị trí thứ 8 so với 63 tỉnh, thành trong cả nước là một nỗ lực lớn của toàn ngành, sự đầu tư toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho GD và sự không ngừng vươn lên của đội ngũ giáo viên trong công tác dạy và học.


Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác GD nói chung và chất lượng GD của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói riêng. Điều đó thể hiện rõ ở nhiều chính sách, chủ trương đặc thù dành cho trường chuyên. Về mặt quản lý ngành, Sở GD-ĐT đặc biệt chú trọng đầu tư cả về nhân sự, tài chính và cơ chế cho nhà trường hoạt động theo hình thức tự chủ về chuyên môn và tài chính. Chúng tôi trân trọng và ghi nhận sự cố gắng rất lớn của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong việc nâng cao chất lượng GD, đặc biệt là GD mũi nhọn. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào việc xếp hạng như trên để cho rằng chất lượng trường chuyên đang đi xuống thì chưa được thuyết phục lắm. Đánh giá chất lượng GD có đi xuống hay không là vấn đề không đơn giản. Nhưng việc Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn từ vị trí thứ 17 trong toàn quốc về điểm thi đại học năm học trước, tụt xuống thứ 19 là mối quan tâm và trách nhiệm của ngành GD trước xã hội và nhân dân.


- Năm học 2014 - 2015 cũng là năm học đầu tiên triển khai Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT...”. Xin ông cho biết những nhiệm vụ, giải pháp của ngành nhằm đổi mới và phát triển sự nghiệp GD?


- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, trong năm học 2014 - 2015, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau: Thứ nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội về đổi mới GD. Thứ hai, tiếp tục đổi mới quản lý GD-ĐT, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong quản lý GD. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện công khai, tự chủ đối với các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh. Thứ ba, thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2020, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực; làm cho xã hội có nhận thức mới về hướng nghiệp và dạy nghề. Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; GD đạo đức, kỹ năng sống ở các cấp học nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng GD, hiệu quả đào tạo để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về trình độ, năng lực nghề nghiệp của nguồn nhân lực trên tinh thần thực học, thực nghiệp.


- Xin cảm ơn ông!


THU HIỀN (Thực hiện)