03:10, 14/10/2013

Đề cao tính sáng tạo và ứng dụng

Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV (diễn ra từ ngày 6 đến 12-10, tại TP. Nha Trang) thể hiện sự sáng tạo của các giáo viên dạy nghề cũng như sự vượt trội cả về số lượng, chất lượng và tính ứng dụng của mỗi thiết bị trong việc giảng dạy, sản xuất.

Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV (diễn ra từ ngày 6 đến 12-10, tại TP. Nha Trang) thể hiện sự sáng tạo của các giáo viên dạy nghề cũng như sự vượt trội cả về số lượng, chất lượng và tính ứng dụng của mỗi thiết bị trong việc giảng dạy, sản xuất.


Phong phú về chủng loại

 

Các thành viên của mô hình Nha Trang thành phố - Du lịch - Sự kiện trình bày phần thi.
Các thành viên của mô hình Nha Trang thành phố - Du lịch - Sự kiện trình bày phần thi.


Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc được tổ chức 3 năm/lần. Các thiết bị chọn dự thi hầu hết là những mô hình đã đạt giải cao tại hội thi cấp tỉnh. Ông Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: “Hội thi nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong việc tự làm thiết bị dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là cơ hội để các đoàn có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về sáng chế, cải tiến thiết bị dạy nghề”. Thông qua hội thi, các cơ sở dạy nghề có thêm điều kiện để đánh giá sát, đúng về thực trạng thiết bị dạy nghề của mình. Từ đó, có những giải pháp đầu tư trang thiết bị phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản xuất hiện đại và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.


Hội thi lần thứ IV thu hút 49 tỉnh, thành tham gia với 297 thiết bị thuộc 149 cơ sở dạy nghề trên cả nước (tăng 14 tỉnh, thành và 61 thiết bị so với hội thi lần thứ III, năm 2010). Trong đó, một số tỉnh, thành có số thiết bị dự thi nhiều như: Hà Nội 18 thiết bị, Hải Phòng 16 thiết bị, TP. Hồ Chí Minh 15 thiết bị, Đồng Nai 14 thiết bị, Vĩnh Phúc 13 thiết bị, Khánh Hòa 6 thiết bị... Cơ cấu nhóm nghề của các thiết bị dự thi cũng rất đa dạng, có 155 thiết bị thuộc nhóm nghề điện - điện tử - viễn thông; 96 thiết bị thuộc nhóm nghề cơ khí; 16 thiết bị thuộc nhóm nghề công nghệ tin học và máy tính; 30 thiết bị thuộc nhóm nghề nhà hàng, khách sạn, du lịch, mỹ thuật, khai thác mỏ, kiến trúc... Ông Nghiêm Trọng Quý - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết: “Sự phong phú về chủng loại thiết bị và cơ cấu đã chứng tỏ phong trào sản xuất thiết bị tự làm tại các cơ sở dạy nghề ngày càng phát triển mạnh, từ những nghề phổ biến đến nghề đặc thù đều được các trường chú trọng đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, qua các sản phẩm cho thấy, các tác giả ngày càng chuyên nghiệp, sáng tạo hơn trong nghiên cứu, thiết kế những thiết bị không chỉ phục vụ tốt cho việc dạy và học mà còn có thể ứng dụng sản xuất đại trà, cung cấp cho thị trường”.

 

Các tác giả trình bày mô hình tại hội thi.
Các tác giả trình bày mô hình tại hội thi.


Nâng cao tính sáng tạo và ứng dụng


Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, tham gia Hội thi lần này, các thiết bị dạy nghề tự làm đã nâng cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo, chất lượng đồng đều. Các tác giả, nhóm tác giả có sự đầu tư lớn trong việc sáng chế, cải tiến thiết bị dạy nghề, đáp ứng các tiêu chí cơ bản như: Tính sư phạm; tính khoa học kỹ thuật và sáng tạo; tính ứng dụng; tính trình bày. Hầu hết các thiết bị tự làm đều sử dụng vật liệu dễ tìm, có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao. Nhiều thiết bị có kết cấu, hình thức đẹp và giá thành rẻ hơn so với thiết bị sẵn có bán trên thị trường. Đặc biệt, các thiết bị đáp ứng được cách dạy tích hợp, luyện tay nghề ngay trên thiết bị và có khả năng nâng cấp, ghép nối thêm các mô đun mới để dạy được nhiều bài học hơn cho học sinh, sinh viên. Mô hình “Hệ thống lạnh với 2 giàn bay hơi 2 tiết lưu” của tác giả Trần Văn Chiến - giáo viên bộ môn Điện lạnh Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang đã thuyết phục được Hội đồng giám khảo (đạt giải nhất) bởi tính sư phạm và khả năng ứng dụng cao trong việc giảng dạy, sản xuất. Thầy Trần Văn Chiến nói: “Mục đích chính khi tôi sáng chế ra mô hình này là để học trò tiếp cận, thực hành, sử dụng, ứng dụng và nắm bắt được bài học nhanh, sâu nhất”.

 

 Ông Dương Đức Lân trao bằng khen cho các tác giả đạt giải.
Ông Dương Đức Lân trao bằng khen cho các tác giả đạt giải.


Hầu hết các thiết bị được chế tạo, cải tiến dựa trên việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ, phù hợp với sự phát triển của bộ môn, ngành đào tạo; đảm bảo được các nguyên lý về an toàn lao động, không gây ô nhiễm, ít hao tốn nguyên liệu. Tiêu biểu có mô hình “Thang máy 4 tầng” của tác giả Trần Phương Nam (giáo viên Trường Cao đẳng Nghề TP. Hồ Chí Minh) đã chinh phục được Hội đồng giám khảo (đạt giải nhất) bởi tính sáng tạo trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để sáng chế thiết bị. Thầy Trần Phương Nam nói: “Với sự phát triển mạnh của kiến trúc xây dựng, nhu cầu sử dụng thang máy cũng phát triển theo. Trong khi đó, quá trình học về hệ thống thang máy, các học sinh, sinh viên phải học rất nặng lý thuyết mà ít được thực hành nên việc nắm bài bị hạn chế. Trước thực tế đó, tôi đã áp dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật để chế tạo thành công mô hình này”. Tiêu biểu cho khả năng nâng cấp, mở rộng ứng dụng theo yêu cầu phát triển của chương trình đào tạo là mô hình “Động cơ common rail toyota” của tác giả Phạm Ngọc Phan Huy (giáo viên bộ môn Công nghệ ôtô Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang)...


Ông Dương Đức Lân nhận định: “Các mô hình dự thi đã chứng tỏ được khả năng sáng tạo, sự nhạy bén của giáo viên trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào giảng dạy. Chúng tôi sẽ mua lại bản quyền những mô hình đạt giải cao lần này để nhân rộng cho các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, để học sinh, sinh viên sau khi ra trường có thể áp dụng vào sản xuất, chế tạo”.


Có thể nói, Hội thi đã cổ vũ phong trào tự làm thiết bị dạy nghề và tạo điều kiện cho các đơn vị dạy nghề khai thác tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của cán bộ, giáo viên, học viên. Quan trọng hơn, đây chính là động lực để giáo viên, học sinh phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động trong giảng dạy, học tập, phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.


VĂN GIANG



Kết thúc hội thi, về giải cá nhân: có 25 thiết bị đạt giải nhất, 45 thiết bị đạt giải nhì và 75 thiết bị đạt giải ba. Về giải tập thể: nhất toàn đoàn thuộc về TP. Hồ Chí Minh, 2 giải nhì thuộc về đoàn Hà Nội và Đồng Nai, 3 giải ba thuộc về đoàn Hà Tĩnh, Hải Phòng và Đăk Lăk.


Về phía đoàn Khánh Hòa: Mô hình “Hệ thống lạnh với 2 giàn bay hơi 2 tiết lưu” của tác giả Trần Văn Chiến (Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang) đạt giải nhất; 2 giải nhì thuộc về mô hình “Động cơ common rail toyota” của tác giả Phạm Ngọc Phan Huy (Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang) và “Nha Trang thành phố - Du lịch - Sự kiện” của nhóm tác giả Lê Xuân An, Thẩm Thành Trung, Vũ Thị Thịnh (Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Nha Trang).