08:09, 19/09/2012

Hiệu quả thấy rõ

Năm học vừa qua, 23 trường tiểu học (TH) được áp dụng mô hình trường học mới (VNEN). Tuy nhiên, sau 1 tuần áp dụng, đã có phụ huynh học sinh (PHHS) không đồng tình. Nhưng thực tế cho thấy, mô hình khá hiệu quả, vướng mắc của PHHS có thể giải quyết được.

Năm học vừa qua, 23 trường tiểu học (TH) được áp dụng mô hình trường học mới (VNEN). Tuy nhiên, sau 1 tuần áp dụng, đã có phụ huynh học sinh (PHHS) không đồng tình. Nhưng thực tế cho thấy, mô hình khá hiệu quả, vướng mắc của PHHS có thể giải quyết được.

Trong đơn kiến nghị gửi Tòa soạn Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Dũng, PHHS Trường TH Phước Hải 1 (Nha Trang) cho rằng, mô hình này không thuyết phục về tính hiệu quả. Đặc biệt, tư thế ngồi học của HS là phản khoa học, về lâu dài có thể gây vẹo cột sống, vẹo cổ, lác mắt...

Cận cảnh với VNEN

Trong năm học 2011 - 2012, mô hình trường học mới (tên nguyên gốc tiếng Tây Ban Nha là Escuela Nueva - EN; tại Việt Nam được gọi tắt là VNEN) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép triển khai thí điểm ở 6 tỉnh, thành phố, trong đó Khánh Hòa có 4 trường tham gia.

Phóng viên Báo Khánh Hòa đã chứng kiến buổi học môn Tự nhiên và Xã hội của lớp 3/4 Trường TH Phước Hải 1 và nhận thấy rõ sự thích thú, vui tươi trên nét mặt HS. Trong lớp, HS được sắp xếp ngồi theo nhóm từ 5 - 6 em. Trên bảng chỉ ghi duy nhất tên bài học. Ở dưới lớp, mỗi nhóm HS tự thảo luận, trao đổi về bài học dựa trên hướng dẫn cụ thể trong sách giáo khoa (SGK). Lớp học tương đối ồn, đôi khi có cả tiếng nói to vì HS tranh luận về môn học, thậm chí có cả tiếng hô to của cả nhóm khi thống nhất được câu trả lời. Em Bùi Võ Trung Hiếu nói: “Em rất thích ngồi học kiểu này, vừa vui, vừa thoải mái”. Còn cô Cao Thị Huệ Dung, giáo viên (GV) đang giảng dạy tại lớp cho biết: “Với mô hình này, HS tự học là chính, vì SGK hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết. Còn GV phải di chuyển liên tục từ nhóm này sang nhóm khác để quan sát, đánh giá HS. GV chỉ hỗ trợ và hướng dẫn HS khi cần thiết”.

Thầy Nguyễn Văn Quát - Hiệu trưởng Trường TH Diên Điền (Diên Khánh) - một trong 4 trường thí điểm mô hình VNEN khẳng định, mô hình này tập trung chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của GV sang tổ chức hoạt động tự học của HS là chính nên giúp HS tự giác, được trải nghiệm, khai thác, khám phá và chủ động lĩnh hội kiến thức mới. HS nắm được phương pháp học tập, thực sự trở thành trung tâm trong quá trình dạy - học. Quan trọng hơn là HS biết được quyền và nghĩa vụ của mình trong lớp học, có trách nhiệm với công việc được phân công. “Nhiều người đến trường tôi tham quan mô hình VNEN cứ tấm tắc khen HS trường huyện mà nhanh nhẹn, tự tin. GV các lớp VNEN cũng rất tự hào về HS của mình”, thầy Nguyễn Văn Quát chia sẻ.

Tiết học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Phước Hải 1.
Tiết học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Phước Hải 1.

Cô Lê Thị Thu Vân, GV lớp 3C Trường TH Diên Điền cho biết: “Dạy và học theo mô hình VNEN, hiệu quả thấy rất rõ nếu so sánh với lớp học theo kiểu truyền thống. Chỉ qua một học kỳ, HS yếu nhất của lớp VNEN đã có thể đuổi kịp sức học của HS giỏi ở lớp bình thường. Ngoài ra, nhờ học theo nhóm, HS yếu được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn, nhờ đó, các em mạnh dạn, có thêm nhiều kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống...”. “Năm ngoái, một GV của trường tôi có con học ở lớp thí điểm mô hình VNEN và đã nhất quyết xin rút cháu ra khỏi lớp vì không tin tưởng vào hiệu quả của mô hình này. Nhưng sang năm học 2012 - 2013, chính GV này lại năn nỉ tôi cho cháu vào học ở lớp VNEN”, thầy Nguyễn Văn Quát nói.

Ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Dũng cho rằng, ngồi học theo mô hình này là phản khoa học! Ông lập luận: “Tuy nhà trường nói rằng HS tự học là chính, GV không giảng dạy trên bảng nhưng thực tế GD hiện nay, bảng đen vẫn là nơi để GV truyền đạt thông tin cũng như yêu cầu của môn học lên bảng. Vậy nên ngồi vuông góc với bảng đen và bục giảng, nếu không ngoẹo đầu, ngoẳng cổ, liếc mắt, làm sao HS đọc được những gì cô giáo viết trên bảng? Dẫu biết quá trình học có sách, song dù là mô hình nào, chúng ta vẫn không thể phủ nhận vai trò của GV trên bục giảng với bảng đen và phấn trắng”.

Trước ý kiến này, cô giáo Lê Thị Thu Vân, người trực tiếp tham gia thí điểm mô hình VNEN khẳng định: Với mô hình này, GV rất ít khi phải truyền đạt bằng bảng, cùng lắm cũng chỉ khoảng 5 - 10 phút đối với những vấn đề nào quá khó hoặc kết quả trao đổi vấn đề của các nhóm đều sai. Khi nhìn bảng, HS có thể xoay người, xoay ghế lại cho dễ nhìn. Ngồi học theo nhóm, HS hoàn toàn tự chủ, được ngồi thoải mái, GV chỉ là người hướng dẫn, quan sát cách tự học của HS. “Khi mới triển khai thí điểm mô hình, nhiều PHHS cũng lo lắng về cách ngồi học và cách tự học của HS nhưng chỉ qua một học kỳ, hầu hết PHHS đều yên tâm”, cô Lê Thị Thu Vân chia sẻ.

Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi, ý kiến của ông Dũng cũng có cơ sở. Bởi lẽ, ở một số trường TH như Diên Điền, ghế ngồi của HS là ghế rời, có thể dễ dàng xoay vị trí, còn ghế của HS ở Trường TH Phước Hải 1 lại dính liền với bàn học, không thể xoay chuyển. Ngoài ra, do SGK của chương trình VNEN chưa in kịp nên hiện nay, HS ở các trường tham gia mô hình này vẫn chưa đủ sách học, khiến PHHS cũng chưa được tìm hiểu rõ về phương pháp học của mô hình này. Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Trong khuôn khổ dự án, các trường khó khăn sẽ được hỗ trợ tài liệu học tập, SGK cũng như bàn ghế...”. Như vậy, những vướng mắc mà ông Dũng nêu ra hoàn toàn có thể khắc phục được.

Theo chúng tôi, nếu có điều kiện, các trường nên tổ chức cho PHHS được dự giờ một buổi học theo mô hình VNEN. Điều này sẽ có tính thuyết phục cao hơn.

HIỀN - DƯƠNG

Sau 1 năm thí điểm mô hình trường học mới tại một số trường tiểu học (TH) trên toàn quốc, Bộ GD-ĐT quyết định, từ năm học 2012 - 2013, mở rộng mô hình này tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với 1.447 trường TH tham gia, trong đó, có 23 trường TH ở Khánh Hòa.