10:02, 05/02/2023

Tín hiệu lạc quan từ thị trường lao động

Đầu năm 2023, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều tín hiệu lạc quan khi có 98% người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tương đối lớn nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.

Đầu năm 2023, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều tín hiệu lạc quan khi có 98% người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tương đối lớn nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.

Doanh nghiệp tuyển nhiều lao động


Cuối năm 2022, thị trường lao động chịu tác động mạnh từ suy giảm kinh tế toàn cầu khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, nhạy bén, các doanh nghiệp đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp nhằm duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động và tích cực tìm kiếm các đối tác mới. Chính nhờ vậy, bước sang đầu năm 2023, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp đã được kết nối trở lại, người lao động có nhiều việc làm nên phấn khởi quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp còn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và đăng ký tuyển thêm lao động.

 

 

Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong quý I/2023, nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành, như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ hỗ trợ… Về cơ cấu trình độ, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 6,45%; cao đẳng 5,23%; trung cấp 11,51%; sơ cấp 17,82%; lao động phổ thông chiếm khoảng 58,99%.

Đại diện Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam phỏng vấn tuyển dụng lao động.


Chi nhánh Công ty TNHH Sinnika Việt Nam - Nhà máy May xuất khẩu KNIT Nha Trang (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) có nhu cầu tuyển hơn 200 lao động cho hoạt động may mặc. Đơn vị này tuyển chủ yếu là lao động phổ thông, không cần bằng cấp và ưu tiên cho những người có kinh nghiệm. Mức lương khởi điểm là 6,5 triệu đồng trở lên và công ty cam kết thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Ở lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, có nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động. Có thể kể đến như Công ty TNHH Hải Vương đang cần tuyển hơn 300 công nhân, chỉ yêu cầu đảm bảo sức khỏe, không cần trình độ với mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng. Năm 2023, Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam đặt mục tiêu đóng mới 13 tàu, trong đó có 4 tàu dầu trọng tải 110.000 tấn, dự kiến doanh thu khoảng 550 triệu USD. Để đạt được kế hoạch đề ra, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 600 công nhân sơn, hàn, thiết kế tàu, quản lý chất lượng hàng hải… với mức lương khởi điểm từ 5 triệu đồng trở lên…


Đẩy mạnh kết nối cung - cầu


Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, sau Tết Nguyên đán, đơn vị đã tiếp nhận đăng ký tuyển dụng lao động của hàng chục doanh nghiệp với nhu cầu tuyển gần 2.000 lao động. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng vẫn đang tiếp tục tăng là tín hiệu lạc quan cho thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, hơn 1.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đáng chú ý, ngành du lịch - dịch vụ có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách mở cửa du lịch của Chính phủ, giúp ngành này đón nhận được số lượng du khách lớn đến từ thị trường trong và ngoài nước. Đây là ngành thu hút lực lượng lao động lớn cả trực tiếp và gián tiếp. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, trung tâm đã sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ nhằm kết nối lao động có chất lượng cho doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 15-2, đơn vị sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm tại thị xã Ninh Hòa để tuyên truyền, kết nối lao động cho các doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng gần 2.000 lao động với trung tâm. Cùng với đó, đơn vị duy trì sàn giao dịch việc làm điện tử hàng ngày tại trung tâm; tiếp tục mở rộng kết nối lao động trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước.


Theo ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững là nhiệm vụ quan trọng và là giải pháp căn cơ để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Do đó, trong năm 2023, toàn ngành đặt mục tiêu tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.500 lao động. Để đạt mục tiêu này, giải pháp được ngành đề ra là tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, tăng cường giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; mở rộng tuyên truyền việc làm ngoài nước, chính sách hỗ trợ cho người lao động để họ được tham gia, lựa chọn và ứng tuyển…

 

Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong quý I/2023, nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành, như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ hỗ trợ… Về cơ cấu trình độ, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 6,45%; cao đẳng 5,23%; trung cấp 11,51%; sơ cấp 17,82%; lao động phổ thông chiếm khoảng 58,99%.


VĂN GIANG