10:08, 12/08/2018

Một cựu chiến binh vượt khó

Mặc dù mang trên mình những vết thương, di chứng của chiến tranh, nhưng nhiều cựu chiến binh tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã vượt lên nỗi đau về thể xác, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

Mặc dù mang trên mình những vết thương, di chứng của chiến tranh, nhưng nhiều cựu chiến binh (CCB) tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã vượt lên nỗi đau về thể xác, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Tiêu biểu trong số đó có CCB Vũ Thanh Sơn (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình), thương binh hạng 3/4, đồng thời cũng là nạn nhân chất độc da cam.

 

Ông Vũ Thanh Sơn - sinh năm 1949, quê gốc ở Hải Dương. Năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên Vũ Thanh Sơn lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và nước bạn Campuchia rồi bị thương, nhiễm chất độc da cam/dioxin. Năm 1981, ông phục viên về địa phương. Khi ấy, cuộc sống gia đình ông vô cùng khó khăn, bản thân ông đau ốm liên miên do hậu quả của chiến tranh, 4 người con của ông cũng chịu di chứng chất độc da cam/dioxin từ người cha, trong đó người con lớn bị dị tật ngay từ khi mới sinh ra và mất sớm. Năm 2000, gia đình ông quyết định vào Khánh Sơn lập nghiệp. Sau khi tìm hiểu thực tế, ông quyết định khởi nghiệp bằng cây hồ tiêu, sau đó là mía đường, mía tím, rồi đến các loại cây ăn quả. “Trong quá trình phát triển sản xuất, gia đình tôi cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí nhiều lần thất bát. Với tinh thần người lính còn hơi thở là còn chiến đấu, tôi cùng gia đình quyết tâm vượt qua khó khăn làm lại từ đầu”, ông Sơn tâm sự.

 

Ông Vũ Thanh Sơn chăm sóc vườn cây của gia đình.

Ông Vũ Thanh Sơn chăm sóc vườn cây của gia đình.

 

Sau gần 20 năm cần cù lao động sản xuất, tìm tòi, học hỏi để đưa những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác, gia đình ông Sơn đã phát triển được hơn 5ha cây công nghiệp và cây ăn quả, như: sầu riêng, măng cụt, quýt đường, hồ tiêu, cà phê... Tận dụng khu vực gần suối, ông xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo, gà, kết hợp đào ao thả cá. Phương thức canh tác kết hợp nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi giúp gia đình ông đảm bảo thu nhập hàng năm cũng như hạn chế rủi ro trong sản xuất. Ông Sơn dự định, trong tháng 9 sẽ tiếp tục đưa vào trồng 2 sào nhãn và vải (được lấy giống từ tỉnh Đắk Lắk). Bởi mấy năm vừa qua ông đã trồng thí điểm thành công 2 giống cây trồng trên và đã cho hiệu quả kinh tế khá cao.


Theo ông Thân Công Kế - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Khánh Sơn, hiện nay, trên địa bàn huyện có 28 nạn nhân chất độc da cam (cả thế hệ thứ nhất và thứ 2). Các nạn nhân này đều được Đảng và Nhà nước quan tâm, cho hưởng chế độ, chính sách từ 850.000 đồng đến 1.417.000 đồng/tháng, tùy theo mức độ mất khả năng lao động của từng người. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã quyết tâm vượt lên nỗi đau da cam, tận dụng đất đai, cần cù lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Tiêu biểu trong số đó là CCB Vũ Thanh Sơn. Ông đã xây dựng được mô hình kinh tế với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng. Nhiều năm liền ông Sơn được các cấp biểu dương với thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi.


Đ.Luận