10:06, 19/06/2018

Xã Ninh Bình: Tăng cường quản lý đất san lấp

Với nhu cầu cải tạo mặt bằng để phục vụ sản xuất của người dân, xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa. Khánh Hòa) tạo điều kiện nhưng không cho phép đưa đất san lấp ra khỏi địa phương.

 

Với nhu cầu cải tạo mặt bằng để phục vụ sản xuất của người dân, xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa. Khánh Hòa) tạo điều kiện nhưng không cho phép đưa đất san lấp ra khỏi địa phương.


Khoét núi để cải tạo mặt bằng


Khu vực Giồng Ngoài (thôn Hiệp Thạnh) xưa là quả đồi thoai thoải, bây giờ không còn giữ được nguyên trạng. Quả núi bị biến dạng, nham nhở, đỉnh đồi chỉ còn sót lại mấy cây bạch đàn. Ông P. - chủ nhân của ngọn đồi cho biết, trước đây, ông mua khu đồi này để sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ. Năm ngoái, ông cùng một người bà con tiến hành cải tạo lại mặt bằng, song bị xã yêu cầu ngưng lại nên thửa đất vẫn còn nham nhở đến bây giờ.  

 

Cải tạo gây biến dạng địa hình tại khu vực Giồng Đền (thôn Hòa Thuận).

Cải tạo gây biến dạng địa hình tại khu vực Giồng Đền (thôn Hòa Thuận).


Còn khu vực Giồng Đền (thôn Hòa Thuận) nhiều nơi đất bị lấy loang lổ. Trước mắt chúng tôi là một hố sâu, cạnh đó là mặt bằng khoảng 1ha đã được san phẳng, dấu vết cải tạo còn rất mới. Một người dân cho biết, khu vực này hầu hết được lấy đất để cải tạo mặt bằng sản xuất đất lại đem bán đi nơi khác khiến người dân bức xúc.


Hiện tượng lấy đất cải tạo mặt bằng không chỉ diễn ra ở nơi có độ cao lớn mà xuất hiện ở cả những khu vực địa hình thấp. Ông Nguyễn Thu (thôn Tân Bình) cho biết, một số cánh đồng xưa có cốt nền cao được cải tạo thành ao hay ruộng lúa, ruộng hoa màu như: đồng Hóc Dậy, đồng Ông Chức (thôn Tân Bình). Người dân đem đất san lấp bán cho các lò gạch ở xã Ninh Xuân.


Thời gian gần đây, người dân xã Ninh Bình còn phản ánh về tình trạng mất an toàn giao thông, ô nhiễm bụi trên các tuyến đường liên xã, liên thôn do hoạt động của xe chở đất. Theo ông Đặng Văn Nhuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Bình, thời gian qua, nhiều nơi gò, đồi đã bị san phẳng vì mục đích cải tạo mặt bằng hay bán đất san lấp rất phức tạp; hiện tượng xe chở đất hoạt động quá nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc và phản ánh trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri của xã. Hội Nông dân xã cũng đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này tới các cấp, ngành.


Không cho vận chuyển đất san lấp ra khỏi địa phương

 

Ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Thời gian gần đây, chính quyền xã Ninh Bình triển khai khá tốt các văn bản của tỉnh, thị xã trong việc quản lý đất đai, khoáng sản, nhất là vấn đề lấy đất san lấp mặt bằng. Thị xã chưa nghe phản ánh của cử tri về vấn đề này, tình hình vẫn được duy trì ổn định. Nếu có diễn biến mới, thị xã sẽ kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời.

Lãnh đạo UBND xã Ninh Bình cho biết, việc cải tạo mặt bằng phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhu cầu có thật của người dân trên địa bàn, nhất là tại các khu vực đồi núi, khó sản xuất, chỉ trồng được một số cây lâm nghiệp như: bạch đàn, keo hay một số gò bãi hoang cần hạ độ cao để sản xuất lúa, hoa màu. Những năm trước, tình hình này diễn biến phức tạp do chính quyền địa phương chưa thật sự vào cuộc. Nhiều nơi người dân đã tự ý thuê xe múc tiến hành cải tạo, trao đổi mua bán đất san lấp. Khi phát hiện, chính quyền đã xử lý và tạm dừng các hoạt động cải tạo.


Cũng theo lãnh đạo xã, vụ khoét núi tại Giồng Ngoài, Giồng Đền xảy ra năm 2017 đã bị xã phát hiện và xử phạt, cấm cải tạo cho đến nay. Tuy nhiên, tại hiện trường còn dấu mới là do xã tạo điều kiện cho người dân tiếp tục cải tạo nốt phần còn lại để tạo mặt bằng sản xuất. Xã không cho người dân vận chuyển đất ra khỏi địa phương do lo ngại việc mua bán đất bùng phát sẽ làm tăng nguy cơ hủy hoại môi trường. Thực tế, một số tổ chức, cá nhân nơi khác thỏa thuận với người dân theo phương thức bên lấy đất san lấp chở đi, bên cải tạo được mặt bằng mà không mất tiền.


Ông Lương Ngọc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chủ trương của xã là tạo điều kiện cho người dân cải tạo mặt bằng đảm bảo sản xuất nhưng phải xin phép chính quyền. Đồng thời, công việc này phải được xem xét, không ảnh hưởng lớn tới môi trường. Hiện nay, việc cải tạo đất được giám sát rất chặt, công an, địa chính xã thường xuyên kiểm tra. Năm 2017, xã đã xử lý 3 trường hợp, phạt 5 triệu đồng/trường hợp. Xã chỉ cho phép cải tạo tại chỗ để phục vụ sản xuất như: san phẳng, be bờ, tuyệt đối không được chuyển đất san lấp ra ngoài địa phương”.


Liên quan đến việc xe chở đất hoành hành trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, ông Việt cho rằng, đây là trách nhiệm của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông; tuy nhiên, xã cũng có trách nhiệm phối hợp. Vừa qua, các đơn vị này đã tăng cường kiểm tra, xử lý; nhưng khi rút đi thì mọi việc lại đâu vào đấy. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý chặt vấn đề này. Hiện nay, xe tải lưu thông qua địa bàn xã chủ yếu từ các hướng khác như: Ninh Quang, Ninh Xuân, riêng địa bàn xã không còn tình trạng xe chở đất ra bên ngoài.


V.LẠC