11:06, 18/06/2018

Khó xử lý tội phạm môi trường

Vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp, nhưng quy định của pháp luật còn nhiều bất cập. Đây là đánh giá chung tại hội thảo do Viện Khoa học pháp lý phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức vừa qua.

Vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp, nhưng quy định của pháp luật còn nhiều bất cập. Đây là đánh giá chung tại hội thảo do Viện Khoa học pháp lý phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức vừa qua.


Diễn biến phức tạp


Thời gian qua, các cơ quan liên quan đã tích cực giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, rác thải, khai thác khoáng sản; tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường; triển khai nhiều giải pháp giải quyết; có nhiều chương trình tuyên truyền, vận động về bảo vệ môi trường. Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, từ năm 2013 đến 2017, mặt trận tổ quốc các cấp đã xây dựng và duy trì hiệu quả 40 mô hình điểm Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và hiện nay đã nhân rộng gần 1.000 mô hình.

 

Khai thác cát trái phép ở huyện Cam Lâm
Khai thác cát trái phép ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa


Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa cao, phát triển nóng về du lịch, các vùng kinh tế trọng điểm, cộng với những sơ hở của pháp luật, nên vi phạm pháp luật, tội phạm về môi trường ngày càng diễn biến phức tạp. Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, một số đối tượng đã khai thác các loại cây có nguồn gốc tự nhiên đưa về trồng tại vườn, sau đó hợp thức hóa việc vận chuyển, tiêu thụ. Số khác lợi dụng các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, phát triển hạ tầng để khai thác gỗ trái phép. Ở lĩnh vực bảo vệ động vật quý, hiếm, hoang dã, các đối tượng vận chuyển khi bị phát hiện thường khai nhận được đối tượng không quen biết thuê.


Theo đánh giá của đại diện Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh, khả năng phát hiện, xử lý tội phạm về môi trường không cao so với các tội phạm khác do việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm rất khó; những biểu hiện về hậu quả thường không tức thời, rõ ràng. Hành vi phạm tội thường lặp đi lặp lại nhiều lần, trong thời gian dài, đặc biệt ở những tội gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn lợi thủy sản…; trong khi lợi nhuận từ hành vi gây ô nhiễm môi trường lại khá lớn, có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, nếu chế tài không đủ mạnh, tổ chức, cá nhân sẵn sàng tái phạm.


Quy định của Pháp luật còn bất cập


Thực tế, qua 10 năm thực hiện Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với 11 tội danh liên quan đến tội phạm về môi trường, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh mới khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi thuộc 2 tội danh: hủy hoại rừng và vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, số lượng vụ án được xét xử cũng không nhiều. Từ năm 2010 đến nay, tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh thụ lý 12 vụ/27 bị cáo, đã xét xử 11 vụ/23 bị cáo. Đó là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; văn bản hướng dẫn chậm ban hành.

 

Lâm sản khai thác trái phép được lực lượng chức năng thu giữ

Lâm sản khai thác trái phép được lực lượng chức năng thu giữ


Trong 11 tội danh về tội phạm môi trường, chỉ có 2 tội danh liên quan đến lĩnh vực bảo vệ rừng và động vật hoang dã đã có văn bản hướng dẫn. Các tình tiết định tội, định khung hình phạt (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) cũng chưa được định lượng cụ thể. Trong khi đó, tội phạm về môi trường gây ra nhiều thiệt hại, có thể về môi trường, sinh thái, vật chất…; mỗi thành phần môi trường bị xâm hại lại có những tiêu chí đánh giá mức độ thiệt hại khác nhau. Ngoài ra, 9/11 tội danh về môi trường đều quy định phải có điều kiện “đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn vi phạm”. Do đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, chính quyền các cấp không phát hiện, xử phạt hành chính hành vi vi phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng không xử lý được.


Trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng là vấn đề vướng. Nhiều pháp nhân là công ty TNHH, việc giải thể do cá nhân quyết định. Nhưng pháp luật quy định, việc truy cứu trách nhiệm pháp lý chỉ tiến hành nếu chủ thể tội phạm là cá nhân còn sống hoặc pháp nhân còn tồn tại. Thực tế, khi phát hiện được vi phạm pháp luật của pháp nhân thì pháp nhân đó đã không còn tồn tại.


Ngoài ra, việc nhận diện hành vi vi phạm về môi trường rất khó, đòi hỏi sự trợ giúp của các phương tiện khoa học kỹ thuật, đánh giá của cơ quan chuyên ngành, phải định tính, định lượng cụ thể. Trong khi đó, các cơ quan chức năng còn hạn chế về phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, lực lượng giám sát. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các chủ nguồn thải thường xuyên trốn tránh trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải. Nhưng pháp luật quy định không thanh, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Tương tự, các hành vi vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng… đều đã có quy định xử phạt nhưng vi phạm này vẫn diễn ra phổ biến mà hầu như không bị xử lý do thiếu hụt về lực lượng, kinh nghiệm xử lý.


Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục thể chế hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Ngoài ra, cần trang bị phương tiện kỹ thuật cần thiết để cảnh sát môi trường hoàn thành nhiệm vụ; phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa cảnh sát môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; cần hướng dẫn cụ thể về xử lý trách nhiệm đối với pháp nhân vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện các kết luận thanh, kiểm tra…


NGUYỄN VŨ