11:05, 22/05/2018

Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất ở Vĩnh Thạnh: Cấp sổ đỏ cho đất đang tranh chấp

Liên tục mấy chục năm trời phát canh, trồng cây trên đất, bỗng một ngày, bà Nguyễn Thị Ngo (ở tổ 4, thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) bị đôi vợ chồng tới phát cây, xưng là chủ sử dụng và đòi bà trả lại đất.

Liên tục mấy chục năm trời phát canh, trồng cây trên đất, bỗng một ngày, bà Nguyễn Thị Ngo (ở tổ 4, thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) bị đôi vợ chồng tới phát cây, xưng là chủ sử dụng và đòi bà trả lại đất.

Đất rõ nguồn gốc, sử dụng liên tục bị kiện đòi
 

Năm 1958, các ông bà: Nguyễn Thị Thóc, Bùi Tấn Tự, Bùi Thị Thao chuyển nhượng cho bà Ngo các thửa đất với tổng diện tích 1 mẫu 5 sào tại liên xã Vĩnh Thạnh, thôn Phú Vinh, quận Vĩnh Xương. Giao dịch được thể hiện trên giấy bán đoạn mãi đất, kèm theo bản lược đồ đất và đều được Hội đồng Hương chính xã Vĩnh Thạnh lúc đó chứng thực. Chứng thư kiến điền do Ty Điền địa Khánh Hòa cấp ngày 1-7-1963 cũng chứng nhận bà Ngo là chủ thửa đất số hiệu 2, tờ bản đồ số 1 ở xã Vĩnh Thạnh. Đây đều là những loại giấy tờ hợp lệ theo Quyết định số 770 ngày 24-3-2010 của UBND tỉnh quy định về các loại giấy tờ nhà, đất theo Luật Đất đai năm 2003 áp dụng trên địa bàn tỉnh.

 

Từ năm 1958 đến nay, bà Ngo trực tiếp quản lý, liên tục trồng cây và sử dụng toàn bộ diện tích đất. Trên đất, bà còn có nhiều cây trồng và các công trình, giếng nước, phục vụ việc sử dụng đất. Toàn bộ diện tích đất này không bị thu hồi bởi bất cứ quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

 
Mọi rắc rối chỉ bắt đầu vào năm 2009, khi ông Nguyễn Thành Đô (ở Ngọc Hiệp, Nha Trang) tới khu đất mà bà Ngo đang sử dụng để phát cây và nhận là đất của mình do được chuyển nhượng từ ông bà Bùi Văn Mây và Bùi Thị Thơm vào năm 2008, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN, sổ đỏ). Năm 2014, ông Thành Đô kiện bà Ngo ra tòa để đòi 555m2 đất thuộc thửa 387 tờ bản đồ số 2a, là một phần trong toàn bộ thửa đất mà bà Ngo đang quản lý, sử dụng.


Từ thời điểm tòa án thụ lý vụ kiện, bà Ngo mới biết, một phần đất mà bà vẫn sử dụng ổn định bấy lâu nay không hiểu sao đã được cấp cho ông bà Mây - Thơm vào năm 1997, có GCN. Năm 2008, ông bà Mây - Thơm chuyển nhượng cho ông bà Nguyễn Thành Đô và Đinh Thị Nhân. Ông bà Thành Đô - Nhân được cấp GCN mới năm 2008. Vì vậy, bà Ngo đã có đơn phản tố, yêu cầu hủy GCN cấp trái luật.

 

Khu đất của nhà bà Ngo đang sử dụng.

Khu đất của nhà bà Ngo đang sử dụng.

 

Công tác quản lý có bất cập?

Vụ tranh chấp này cho thấy công tác quản lý trong lĩnh vực đất đai còn bất cập. Theo bản án sơ thẩm năm 2014 và phúc thẩm năm 2015, đại diện UBND TP. Nha Trang giải thích, mảnh đất trên là ông bà Mây - Thơm được nhận điều chỉnh ruộng đất của hợp tác xã theo Nghị định 64 (cấp theo nhân khẩu mỗi hộ). Việc cấp GCN căn cứ đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của ông bà này và ý kiến của Hội đồng xét cấp GCN UBND xã Vĩnh Thạnh. Nhưng thực tế, trong gần chục năm trời, ông bà Mây - Thơm không hề sử dụng đất. Lời khai của hai ông bà này tại 2 bản án trên thể hiện, sau khi được cấp GCN, họ chưa hề trồng cây, cũng không tới đất rào chắn ranh giới để thể hiện quyền quản lý, sử dụng tối thiểu và lý giải, do bà Thơm đau ốm thường xuyên. Với mảnh đất được cấp GCN loại đất trồng cây hàng năm nhưng gần 10 năm trời, người được cấp chưa hề sử dụng, phải chăng mục đích cấp đất đã đạt được, công tác quản lý đất đai đã chặt chẽ? Việc thu hồi, cấp đất, cấp GCN như vậy có đúng?


Đã vậy, sau một thời gian rất dài không hề sử dụng, ông bà Mây - Thơm lại chuyển nhượng cho ông bà Thành Đô - Nhân để ra GCN mới năm 2008. Tương tự, từ năm 2008 đến nay, ông bà Thành Đô - Nhân cũng  chỉ sử dụng đất trên... giấy! Ông Thành Đô cũng lý giải do vợ bệnh nặng, không có điều kiện canh tác. Năm 2009, ông Thành Đô đã tới mảnh đất trên phát cây và biết bà Ngo đang sử dụng đất. Nhưng trong khi đang kiện đòi quyền sử dụng đất, ông bà này vẫn mang GCN đi thế chấp Chi nhánh Ngân hàng TMCP Kiên Long để vay 200 triệu đồng. Quá trình ký hợp đồng tín dụng cũng không hề có cán bộ tín dụng nào tới thực địa xác minh, thẩm định. Vì vậy, bà Ngo hoàn toàn không biết mảnh đất bà đang trồng trọt đã được người khác thế chấp vay ngân hàng. Chỉ sau khi cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp do ông Thành Đô không trả được nợ, bà Ngo mới biết đất mình đang sử dụng ổn định bấy lâu đã bị ông Thành Đô thế chấp.  


Đáng nói nữa, việc thế chấp trên được ông Thành Đô giấu nhẹm tòa án. Bằng chứng là khi xử phúc thẩm, tòa mới tuyên hủy bản án sơ thẩm vì phát hiện ra tình tiết này. Chưa hết, sau khi ông Thành Đô rút đơn kiện; bà Ngo kiện lại, đề nghị công nhận quyền sử dụng đất cho bà, hủy các GCN đã cấp và đã được tòa án thụ lý, tháng 1-2017, ông Thành Đô vẫn chuyển nhượng xong mảnh đất trên cho ông Nguyễn Đình Đô (ở Phước Tiến, Nha Trang). Hơn thế, khi vụ kiện đang trong quá trình giải quyết, tháng 9-2017, ông Thành Đô vẫn được cấp GCN mới đối với thửa đất đang tranh chấp và đã chuyển nhượng cho ông Đình Đô, vi phạm các điều kiện chuyển quyền sử dụng đất quy định trong Luật Đất đai.


Suốt quá trình theo kiện, các ông bà Thành Đô -  Nhân, Mây - Thơm đều vin vào GCN để đòi đất mà bà Ngo đang sử dụng. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, nguồn gốc, công sức quản lý, sử dụng hơn 50 năm liên tục của bà Ngo, trong khi cụ bà 89 tuổi này chưa từng nhận được quyết định thu hồi đất nào, còn các đương sự trên nhiều lần dễ dàng giao dịch thành ngay khi đang tranh chấp, có thể đặt câu hỏi: công tác quản lý đất đai trong vụ án này có bất cập, vi phạm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người thực sự sử dụng đất ổn định lâu dài?


Được biết, vụ kiện trên sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm vào cuối tháng này. Báo Khánh Hòa sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.


ĐA THỊNH