05:02, 23/02/2018

Tăng cường quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng. 

Thương mại điện tử (TMĐT) đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ về TMĐT và Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề này.


- Xin bà cho biết tình hình phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh hiện nay?


- Thời gian qua, khối doanh nghiệp (DN) đã nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin nói chung, TMĐT nói riêng trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đã đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để khai thác, phát triển thêm thị trường và chăm sóc khách hàng. Các DN vừa và nhỏ từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin nhằm nâng cao công tác quản trị DN và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Một số DN đã thiết lập website TMĐT bán hàng, tham gia sàn giao dịch TMĐT. Tính đến thời điểm hiện tại, Khánh Hòa có 77 website bán hàng của các tổ chức, cá nhân có thông báo với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương; 100% DN xuất nhập khẩu sử dụng thư điện tử để giao dịch với đối tác nước ngoài; khoảng 75% DN có sử dụng các phần mềm chuyên ngành trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh; hầu hết các khách sạn có sử dụng giao dịch với khách đặt phòng qua mạng Internet.

 


Các website của các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trên địa bàn tỉnh phần lớn chỉ thực hiện chức năng xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm, thương hiệu, trưng bày, giới thiệu hàng hóa đến khách hàng, chưa áp dụng nhiều phương thức mua bán, thanh toán trực tuyến, việc ứng dụng các phần mềm tiện ích chưa được chú trọng. Năm 2017, Khánh Hòa có chỉ số TMĐT đạt 34,6 điểm, đứng thứ 10/54 tỉnh, thành được điều tra (theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2017). Cụ thể, 4 chỉ số thành phần với trọng số lần lượt từ cao tới thấp như sau:


- Chỉ số Nguồn nhân lực và Hạ tầng công nghệ thông tin đạt 21,5 điểm (đứng thứ 5 trong nhóm các tỉnh thành đứng đầu). Chỉ số này được tính dựa vào 5 tiêu chí: tỷ lệ dân số/tên miền; mức độ trang bị máy tính và các thiết bị di động thông minh; tỷ lệ số lao động thường xuyên sử dụng e-mail trong công việc; tỷ lệ số lao động thường xuyên sử dụng các công cụ như: Viber, Facebook…; lao động chuyên trách về TMĐT.


- Về chỉ số giao dịch B2C (giữa DN với người tiêu dùng), Khánh Hòa đạt 47,3 điểm, đứng thứ 13/54 tỉnh, thành được điều tra. Chỉ số này phản ánh số DN xây dựng website TMĐT và cập nhật thông tin lên website, cũng như tham gia bán hàng qua các kênh mạng xã hội, sàn giao dịch, ứng dụng trên thiết bị di động,…


- Về chỉ số giao dịch B2B (giữa DN với DN), Khánh Hòa đạt 25,9 điểm, đứng thứ 12/54 tỉnh, thành được điều tra. Chỉ số này phản ánh việc các DN chú trọng tới hiệu quả kinh doanh thông qua việc mua bán trực tuyến, so sánh giá trị mua hàng hoặc bán hàng trực tuyến trên doanh thu và chi phí của DN, cũng như mức độ coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ DN.


- Về chỉ số giao dịch G2B (giữa Chính phủ với DN), Khánh Hòa đạt 62 điểm, đứng thứ 27/54 tỉnh, thành được điều tra. Chỉ số này phản ánh tính minh bạch thông tin của cơ quan nhà nước với DN cũng như mức độ hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến.


- Công tác quản lý nhà nước về TMĐT hiện nay có những khó khăn, hạn chế nào, thưa bà?


- Tại Nghị định 52/2013 của Chính phủ về TMĐT và Thông tư số 47 ngày 5-12-2014 của Bộ Công Thương quy định các thương nhân, tổ chức hoạt động website TMĐT đều phải thực hiện thủ tục thông báo, hoặc đăng ký với Bộ Công Thương trước khi hoạt động, nhưng chưa quy định về chế độ báo cáo của các thương nhân, tổ chức hoạt động website TMĐT có trụ sở đóng trên địa bàn tại địa phương thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Điều này dẫn đến công tác quản lý nhà nước về TMĐT ở địa phương gặp khó khăn trong việc nắm bắt các thông tin để quản lý và giám sát các hoạt động TMĐT của các thương nhân, tổ chức này.


Các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT chưa quy định cụ thể về cách thức quản lý và chế tài xử lý của một số hoạt động kinh doanh qua các mạng xã hội, nên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng các trang mạng xã hội để hoạt động kinh doanh không lành mạnh, gian lận thương mại, không thực hiện nghĩa vụ thuế... Công tác quản lý nhà nước về thuế, thương mại gặp khó khăn.  


Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về TMĐT chưa được tập huấn nhiều về các kỹ năng quản lý nhà nước về TMĐT. Nguồn nhân lực TMĐT trong các DN còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách TMĐT còn thiếu, nhiều DN chưa quan tâm trong việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh.


- Bà có thể cho biết một số kiến nghị, giải pháp của sở để giải quyết, khắc phục khó khăn, hạn chế trên?


- Vừa qua, Sở Công Thương đã tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 52/2013 của Chính phủ về TMĐT và công tác triển khai Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, sở đã báo cáo và kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét ban hành quy định trong hoạt động TMĐT và quan tâm đến công tác đào tạo, thống kê về TMĐT như:


- Ban hành quy định về quản lý, giám sát các hoạt động TMĐT và cụ thể hóa các biện pháp chế tài, xử lý phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay; cụ thể hóa việc phân cấp quản lý, phối hợp giữa trung ương, địa phương, các ngành có liên quan trong hoạt động TMĐT nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ, bền vững và kiểm soát thuận lợi.


- Xem xét bổ sung quy định về chế độ báo cáo của các thương nhân, tổ chức có hoạt động TMĐT, báo cáo về tình hình hoạt động của website TMĐT về Sở Công Thương nơi thương nhân, tổ chức đặt trụ sở chính hoặc cá nhân thường trú và báo cáo cho các cơ quan thuế để phục vụ công tác quản lý thuế theo quy định.


- Điều chỉnh phạm vi, đối tượng của chỉ tiêu thống kê về số đơn vị giao dịch TMĐT, hoặc kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện thống kê chỉ tiêu này, nhằm nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh TMĐT, nâng cao công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả hơn.


- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng quản lý nhà nước về TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước về TMĐT tại các địa phương.


- Xin cảm ơn bà!


MAI HOÀNG (Thực hiện)