10:01, 14/01/2018

Đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài

Đề án nhằm giúp hội viên nông dân hiểu biết sâu hơn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trình độ cao, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, từ đó mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh...

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa cấp kinh phí cho Hội Nông dân (HND) tỉnh thực hiện Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, giai đoạn 2018 - 2020”. Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch HND tỉnh cho biết:



- Đề án nhằm giúp hội viên nông dân hiểu biết sâu hơn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trình độ cao, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, từ đó mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế. Đề án thực hiện trong 3 năm từ 2018 - 2020, học tập kinh nghiệm tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, mỗi năm tổ chức một đoàn. Tổng kinh phí gần 2,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách gần 1,7 tỷ đồng, còn lại là kinh phí nông dân đóng góp.

 

Vừa qua, UBND tỉnh đã có kế hoạch phân bổ vốn ngân sách cho HND tỉnh năm 2018, trong đó kinh phí tổ chức đi học tập, tham quan nước ngoài là 600 triệu đồng. HND tỉnh đang chuẩn bị kế hoạch cho chuyến công tác đầu tiên tại Hàn Quốc.

 



- Đây là bước đột phá trong hoạt động của HND tỉnh nhiệm kỳ này. Vậy HND tỉnh đã có kế hoạch gì để phát huy hiệu quả của chuyến đi?

- Để phát huy hiệu quả của đề án, trên cơ sở tổng kết, đúc rút kinh nghiệm các chuyến đi nước ngoài, HND tỉnh cùng các ban, ngành, HND các cấp sẽ bàn bạc, thảo luận đưa ra kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng, thực hiện các mô hình tiên tiến phù hợp thực tiễn Việt Nam và của tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm; xây dựng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng; vận động hội viên, nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô, nâng cao giá trị thu nhập; đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã; đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của Khánh Hòa ra bên ngoài.

- Xin cảm ơn ông!



V.Lạc (Thực hiện)