10:01, 11/01/2018

Dự án thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia: Xã Vĩnh Lương được chọn thả thí điểm

Trong năm 2018, dự án sẽ thả muỗi mang Wolbachia tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Cụ thể, các thôn: Lương Sơn 1, 2, 3, Văn Đăng 1, 2, 3 và Võ Tánh 1, 2. Thời gian thả muỗi dự kiến từ tháng 3 và kết thúc vào khoảng tháng 6.
 

Chỉ thả muỗi khi được người dân đồng thuận cao 
 
Chiều 11-1, tại Nha Trang, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bình Nguyên - điều phối viên thực địa Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam cho biết, ngày 8-1, Bộ Y tế đã có quyết định chính thức phê duyệt kế hoạch thả thí điểm muỗi mang Wolbachia nhằm phòng bệnh SXH Dengue.
 
Theo đó, trong năm 2018, dự án sẽ thả muỗi mang Wolbachia tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Cụ thể, các thôn: Lương Sơn 1, 2, 3, Văn Đăng 1, 2, 3 và Võ Tánh 1, 2. Thời gian thả muỗi dự kiến từ tháng 3 và kết thúc vào khoảng tháng 6.

 

Nhân
Nhân viên dự án cho muỗi ăn tại Nha Trang.
 
Hiện nay, dự án đã lập bản đồ phân chia hơn 200 ô thả muỗi trong khu vực, mỗi ô có kích thước 50m x 50m (diện tích 2.500m2). Mỗi tuần dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô, tương ứng với mức thả trung bình 1 con muỗi/25m2/tuần.Trước khi tiến hành thả muỗi, dự án sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và tham vấn cộng đồng bằng nhiều hình thức. Cụ thể, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi đến các hộ gia đình, tổ chức họp dân ở các thôn để cung cấp thông tin trực tiếp và lấy ý kiến người dân, sau đó sẽ tiến hành khảo sát về mức độ nhận thức của người dân về phương pháp này và lấy phiếu đồng thuận ở 370 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên trong khu vực... Việc thả muỗi Wolbachia chỉ được tiến hành sau khi có được sự đồng thuận cao của cộng đồng (từ 80% trở lên). 
 
Trong thời gian thả muỗi Wolbachia, dự án vẫn tiếp tục truyền thông và tham vấn cộng đồng. Bên cạnh đó, việc theo dõi quần thể muỗi và giám sát tình hình bệnh SXH trong cộng đồng sẽ được duy trì thường xuyên, lâu dài. Nếu có vấn đề bất lợi xảy ra liên quan đến muỗi Wolbachia, dự án sẽ tạm ngừng thả muỗi cho đến khi có kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

 

Nhân viên Dự án thu bẫy BG tại nhà dân ở đảo Trí Nguyên.
Nhân viên Dự án thu bẫy BG tại nhà dân ở đảo Trí Nguyên.
 
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Bình Nguyên, theo kế hoạch ban đầu, năm 2017 dự án sẽ triển khai thả muỗi Wolbachia thí điểm ở các phường: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long của TP. Nha Trang, sau đó sẽ mở rộng ra các phường, xã khác trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các điều kiện thực tiễn và đặc điểm địa lý, dân cư, kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã đề nghị dự án khảo sát thêm một số địa bàn ngoài trung tâm thành phố, tương đối biệt lập, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về mặt khoa học trong việc chọn một địa bàn thả muỗi thí điểm đầu tiên trên đất liền, trước khi triển khai ở các phường nội thành. Trên cơ sở đó, dự án đã cùng Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế khảo sát, nghiên cứu và nhận thấy xã Vĩnh Lương là địa bàn phù hợp nhất. Xã Vĩnh Lương có mật độ dân cư tập trung cao ở khu vực trung tâm xã, các điều kiện địa lý và môi trường phù hợp, có mật độ muỗi vằn khá cao và dịch SXH lưu hành thường xuyên trong nhiều năm qua. Sở Y tế đã lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan, báo cáo UBND tỉnh và được UBND tỉnh đồng ý với phương án triển khai thả muỗi Wolbachia bước đầu ở xã Vĩnh Lương, sau đó đánh giá kết quả đạt được, rồi mới triển khai tiếp theo ở các phường của TP. Nha Trang.
 
Muỗi mang Wolbachia không phải muỗi biến đổi gen
 
Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Giám đốc dự án Nguyễn Trần Hiển khẳng định: “Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gen mà là muỗi vằn có nguồn gốc tại địa phương, mang Wolbachia theo phương thức sinh sản tự nhiên”. 
 
Theo Giáo sư Hiển, Wolbachia là một loại vi khuẩn sống cộng sinh trong khoảng 60% các loài côn trùng có trong tự nhiên. Tuy nhiên, muỗi vằn (trung gian truyền bệnh SXH và Zika) thì lại không có sẵn vi khuẩn này. Các nhà khoa học cấy vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi vằn, từ đó nở ra muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia. Trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia sẽ ức chế (ngăn chặn) sự xâm nhập và nhân lên của một số loại vi rút, bao gồm vi rút gây bệnh SXH và vi rút Zika. Do đó, các vi rút gây bệnh này hầu như không còn khả năng truyền từ muỗi sang người. Có thể ví phương pháp này giống như “tiêm vắc xin” cho muỗi. Hiện nay, bệnh SXH và Zika chưa có vắc xin phòng ngừa, đây là phương pháp mới giúp phòng 2 bệnh trên một cách chủ động, lâu dài, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, vừa tiết kiệm chi phí cho xã hội... 
 

Dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chủ trì, phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện từ năm 2006. Dự án được tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật từ Đại học Monash (Australia). Năm 2013, 2014, Việt Nam đã triển khai thí điểm thả muỗi Wolbachia tại đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Từ khi kết thúc thả muỗi tới nay, số ca mắc SXH trên đảo giảm đi đáng kể so với những năm trước và không có ổ dịch SXH tập trung nào xảy ra trên đảo.


 

T.Ly