11:12, 15/12/2017

Ưu tiên khắc phục các công trình cấp bách

Đây là nội dung chỉ đạo của ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp sáng 15-12 nghe các sở đề xuất hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 12.

 

Đây là nội dung chỉ đạo của ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp sáng 15-12 nghe các sở đề xuất hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 12.


Nhu cầu lớn


Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá thiệt hại, sắp xếp danh mục các công trình ưu tiên hỗ trợ kinh phí sửa chữa, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra. Trong các ngày từ 7 đến 11-12, đoàn công tác của tỉnh đã tiến hành kiểm tra hiện trạng các công trình bị hư hỏng. Qua tổng hợp từ các địa phương, đơn vị, trong số các công trình thiết yếu cần được hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa có: 33 công trình thủy lợi, 19 công trình giao thông, 105 cơ sở y tế, hơn 370 trường học,  268 trụ sở cơ quan.

 

Trường học sẽ được ưu tiên hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa hư hỏng

Trường học sẽ được ưu tiên hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa hư hỏng


Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến nhu cầu kinh phí để khắc phục toàn bộ các công trình thiết yếu về thủy lợi, giao thông, hồ chứa là 146,8 tỷ đồng (trong đó phân bổ từ nguồn Trung ương hỗ trợ 106,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 40,7 tỷ đồng); kinh phí để khắc phục các công trình thiết yếu về y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan là 295,5 tỷ đồng (trong đó đề xuất UBND tỉnh sử dụng 128,9 tỷ đồng từ nguồn Trung ương hỗ trợ và 166,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh). Riêng đối với các công trình đê kè, giao thông, hồ chứa kiểm tra thực tế, những công trình bị hư hỏng do bão, mưa lũ gây ra ở mức độ nhẹ, ít hư hỏng thì đoàn kiểm tra đề nghị các địa phương chủ động khắc phục; đối với những công trình bị hư hỏng nặng, cần khắc phục ngay nhưng các địa phương, đơn vị không có kinh phí sửa chữa, sở đã tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục.


Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, qua làm việc với đoàn kiểm tra của tỉnh, UBND huyện Vạn Ninh đề xuất danh mục các công trình cần được tỉnh hỗ trợ để khắc phục hậu quả cơn bão số 12 gồm: 3 công trình thủy lợi, 2 công trình giao thông, 20 cơ sở y tế, 57 cơ sở giáo dục và 29 trụ sở cơ quan, với tổng kinh phí khoảng hơn 58,5 tỷ đồng. Đây đều là những công trình thiết yếu, bức xúc. Cụ thể như: đường từ Bệnh viện huyện Vạn Ninh đến cầu Hiền Lương 2 (bị hư hỏng, sạt lở chiều dài 350m, xe cấp cứu không ra vào được); cầu Ông Dự (xã Vạn Lương) bị sập gây chia cắt giao thông, người dân phải đi đường vòng hơn 5km… Các cơ sở y tế, giáo dục cũng cần được sửa chữa để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, dạy và học trên địa bàn. “Nhu cầu rất lớn nhưng kinh phí khắc phục của tỉnh có hạn nên huyện đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục trước các công trình y tế, giáo dục, trụ sở làm việc của các cơ quan và một số công trình thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến dân sinh”, ông Bảo nêu ý kiến.


Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: Ngoài 29 cơ sở y tế, hơn 100 trường học, 141 trụ sở cơ quan, thị xã Ninh Hòa còn đề xuất danh mục 8 công trình thiết yếu về giao thông, thủy lợi cần được gấp rút triển khai. Cụ thể như: khu vực bờ hữu sông Lốt thôn Phú Bình (xã Ninh Phụng) bị sạt lở nặng, khoảng 60m bờ sông đã tạo hàm ếch, cách nhà các hộ dân chỉ 1 - 2m, có nguy cơ tiếp tục sạt lở nếu không được đầu tư kè chống sạt lở. Nghĩa trang liệt sĩ Ninh Hòa - Vạn Ninh, mái thượng lưu các hồ Đá Bàn, Tiên Du cũng bị hư hỏng nặng cần được khắc phục… Tổng nguồn vốn để khắc phục các công trình thiết yếu trên địa bàn hơn 76,5 tỷ đồng.


Ưu tiên khắc phục các công trình cấp bách


Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương đều cho rằng, nhu cầu khắc phục các công trình thiết yếu này là rất chính đáng, nhưng do nguồn lực hạn chế nên cần xác định mức độ thiệt hại, sự cấp thiết của từng công trình để sắp xếp hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên. Công trình nào bức thiết, ảnh hưởng lớn đến dân sinh thì hỗ trợ làm trước; những công trình còn lại, trên cơ sở cân đối nguồn lực sẽ tiếp tục hỗ trợ khắc phục.

 

Mái thượng lưu hồ Đá Bàn  được ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục

Mái thượng lưu hồ Đá Bàn được ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục


Kết luận cuộc họp, ông Lê Đức Vinh yêu cầu triển khai ngay việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 12 đối với các công trình y tế, giáo dục và một số công trình cấp bách khác về giao thông, thủy lợi. Đồng chí thống nhất khẩn trương hỗ trợ ngay đối với các công trình sau: kè chống sạt lở đường từ bệnh viện đến cầu Hiền Lương 2; cầu Ông Dự (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh); công trình chống sạt lở bờ hữu sông Lốt đoạn thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng; Nghĩa trang liệt sĩ Ninh Hòa - Vạn Ninh; mái thượng lưu các hồ Đá Bàn, Tiên Du (thị xã Ninh Hòa); chống sạt lở bờ sông Chò đoạn xã Diên Xuân; kè chống sạt lở bờ sông Cái Nha Trang đoạn qua xã Diên An (huyện Diên Khánh); chống xói lở bờ suối thôn Tân Hiệp, xã Cam Phước Đông; khắc phục sạt lở cống qua đường, tràn qua đường thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập (TP. Cam Ranh); đường Cam Tân - Sơn Tân; mương chính thoát lũ đường liên thôn Tân Thành - Tân Lập, xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm); 16 cầu treo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh; đường vào khu sản xuất Gia Ngóe thôn Giang Biên, xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh); cầu tràn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc; tràn qua suối Tà Lương, thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn).


Đối với việc sửa chữa, khắc phục các công trình trụ sở cơ quan, ông lưu ý chỉ khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra và việc khắc phục, sửa chữa phải được thực hiện đúng thủ tục, đảm bảo hồ sơ theo hướng dẫn của UBND tỉnh.


BÍCH LA