09:11, 05/11/2017

Khánh Hòa thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng do bão số 12

Cuối ngày 5-11, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp thiệt hại do bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh.
 

Cuối ngày 5-11, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp thiệt hại do bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh.
 
Theo UBND tỉnh, bão số 12 đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh Khánh Hòa từ 4 giờ sáng ngày 4-11 với sức gió cao nhất đạt cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn với lượng mưa lên đến 200mm đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, tài sản.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 27 người chết, 5 người mất tích, 89 người bị thương; trên 10.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; 3.826 ha diện tích lúa bị ngập và 6.258 ha diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại; 44.320 lồng bè bị trôi hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hư hỏng nặng nề... Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng. 

 

Người dân xã Phước Đồng lợp lại căn nhà để ở tạm
Người dân xã Phước Đồng lợp lại căn nhà để ở tạm
 
Để kịp thời khắc phục hậu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức khắc phục. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp: 25.000 tấn gạo, 200.000 viên sát khuẩn Aquatabs và 5.000 kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng Hanlodine 10% để khử trùng tiêu độc ở môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc-xin tai xanh. 

 

Người dân gia cố lại công trình sau bão
Người dân gia cố lại công trình sau bão
 
Về hỗ trợ kinh phí, UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.855 tỷ đồng, trong đó: kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp: 255 tỷ đồng; khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở bảo vệ bờ là 1.600 tỷ đồng; kinh phí sửa chữa hư hỏng: công trình y tế, trường học, các trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật... là 1.000 tỷ đồng .
 
Với số lượng nhà của người dân bị sập và hư hỏng lớn, hệ thống đường giao thông hư hỏng, dự kiến cần khối lượng vật tư để sửa chữa, xây dựng lại là: 40.000 tấn xi măng, 10 triệu viên gạch xây, 20 triệu viên gói lợp, 10 triệu m2 tôn. Để kịp thời khắc phục nhà ở và giao thông đi lại cho nhân dân, đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, và các tổ chức xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay giúp sức cùng với tỉnh để khắc phục kịp thời các thiệt hại.
 
VĂN KỲ - ĐÌNH LÂM